Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển

Chiều tối 22/11, tại trụ sở Chính phủ, tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Margot Wallstrom, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam luôn coi trọng củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Thụy Điển, nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1969.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Margot Wallstrom. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Margot Wallstrom. Ảnh: VGP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nhiều người Việt Nam vẫn nhớ hình ảnh hàng nghìn người dân Thụy Điển, trong đó có cố Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme, xuống đường tuần hành phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của đế quốc chống nhân dân Việt Nam.

Trong công cuộc tái thiết đất nước sau chiến tranh, Thụy Điển đã dành cho Việt Nam sự hỗ trợ quý báu với các công trình tiêu biểu như Bệnh viện Nhi Trung ương, Nhà máy giấy Bãi Bằng, Bệnh viện Đa khoa Uông Bí… Thủ tướng cũng cảm ơn, đánh giá cao Thụy Điển duy trì liên tục nguồn ODA cho Việt Nam. Các dự án do Thụy Điển tài trợ đã đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Cảm ơn Thủ tướng đã dành thời gian tiếp, Bộ trưởng Margot Wallstrom cho biết, khi còn trẻ, bà đã tham gia phong trào phản chiến, ủng hộ Việt Nam. Bà bày tỏ sự cảm kích khi nhiều người Việt Nam còn nhớ đến cố Thủ tướng Palme. “Chúng tôi mong muốn là người bạn tốt, đối tác tin cậy của Việt Nam”, Bộ trưởng Margot Wallstrom nói và hy vọng sẽ có bước phát triển mới trong quan hệ hai nước, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư. Bà vui mừng cho biết, thời gian qua, thương mại hai chiều Việt Nam-Thụy Điển đã tăng mạnh và nhấn mạnh, “chúng tôi ủng hộ chính sách đa phương hóa, ủng hộ thương mại tự do toàn cầu” trong bối cảnh chính sách bảo hộ, chủ nghĩa dân tộc dâng cao tại nhiều nước.

Bộ trưởng Margot Wallstrom cho biết bà vừa có cuộc nói chuyện với các sinh viên Đại học Ngoại thương và thấy các bạn trẻ Việt Nam rất năng động, tin tưởng vào Chính phủ, vào tương lai tốt đẹp.

Ảnh: VGP

Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Margot Wallstrom, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ ấn tượng về việc bà ủng hộ phong trào cách mạng của Việt Nam. “Với truyền thống tốt đẹp, chúng ta cần tiếp tục giữ gìn, phát huy”, Thủ tướng nói và đề nghị hai bên phối hợp xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động thiết thực kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (vào năm 2019).

Vui mừng trước tốc độ tăng kim ngạch thương mại song phương (đạt 1,2 tỷ USD vào năm 2016 và tính đến hết tháng 10/2017, đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ), Thủ tướng mong muốn con số này tăng lên nhiều lần trong thời gian tới khi hai nước còn nhiều tiềm năng phát triển. Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi biết một đoàn doanh nghiệp hàng đầu Thụy Điển sẽ sang Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh trong các lĩnh vực điện tử, sản xuất phụ tùng ô tô, chế biến thực phẩm, đồ uống. Thủ tướng hoan nghênh các doanh nghiệp Thụy Điển tham gia đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị Thụy Điển thúc đẩy EU sớm ký và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai bên hợp tác, mở rộng đầu tư, kinh doanh. Trong bối cảnh quan hệ hai nước đã chuyển từ hợp tác phát triển sang đối tác cùng có lợi, hai bên cần mở rộng hợp tác giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, công nghệ xanh, xây dựng đô thị thông minh, công nghiệp phụ trợ…

Đồng tình với ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Margot Wallstrom cho biết, với dân số chỉ bằng 10% dân số Việt Nam và nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu, Thụy Điển ủng hộ mạnh mẽ tự do thương mại và sẽ nỗ lực thúc đẩy EU sớm ký, phê chuẩn EVFTA. Bà cũng nhất trí cho rằng, các lĩnh vực Thủ tướng vừa đề cập có nhiều tiềm năng hợp tác.

Ảnh: VGP

Nhân dịp này, bà chia sẻ với những thiệt hại, mất mát của người dân Việt Nam do bão lũ gây ra vừa qua và bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam về thích ứng với biến đổi khí hậu.

Cảm ơn chia sẻ của Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp ổn định cuộc sống người dân sau bão lũ.

Thủ tướng hoan nghênh Thụy Điển đề xuất thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước trong một số lĩnh vực như giáo dục-đào tạo, khoa học đời sống, y tế và môi trường; đề nghị các bộ, ngành, đối tác hai bên tiếp tục tăng cường trao đổi, thống nhất nội hàm, sớm hiện thực hóa sáng kiến này.

Tin cùng chuyên mục