Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các nhà lãnh đạo dự Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 (với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc). Ảnh: VGP |
Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 26 tái khẳng định tầm quan trọng của hợp tác ASEAN+3 với hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Trong năm 2022, thương mại giữa ASEAN và các Đối tác +3 tăng 10,2%, đạt 1.213 tỷ USD; trong khi đó, FDI từ các Đối tác +3 vào ASEAN đạt tới 54,8 tỷ USD, chiếm 24,5% tổng FDI vào ASEAN.
Lãnh đạo ASEAN+3 nhất trí phối hợp triển khai hiệu quả Kế hoạch Hợp tác ASEAN+3 giai đoạn 2023 - 2027, trong đó có phát huy thế mạnh hợp tác về kinh tế, thương mại, tài chính, y tế… và mở rộng các lĩnh vực hợp tác mới, tập trung vào đổi mới sáng tạo, bảo đảm an ninh lương thực, chuyển đổi năng lượng, biến đổi khí hậu,... hướng tới phát triển bao trùm và bền vững.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ hy vọng ASEAN+3 sẽ có vai trò tích cực, hiệu quả trong đề xuất các giải pháp khả thi, cùng nhau vượt qua những khó khăn, thách thức hiện nay. Thủ tướng nhấn mạnh, ASEAN+3 cần phối hợp đẩy mạnh trao đổi kinh tế, thương mại, đầu tư và liên kết đa phương, bao gồm phối hợp thực hiện hiệu quả các FTA ASEAN+1 với từng Đối tác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như Hiệp định RCEP.
Thủ tướng đề nghị, ASEAN+3 mở rộng các lĩnh vực hợp tác, nhất là chuyển đổi số, kinh tế số, thương mại điện tử, công nghệ tài chính (Fintech), trí tuệ nhân tạo (AI), tài chính xanh, công nghệ xanh… tạo thêm xung lực cho tăng trưởng bao trùm, hướng tới phát triển bền vững, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Đồng thời, cần phối hợp bảo đảm an ninh lương thực từng quốc gia và toàn khu vực trong mọi tình huống.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẵn sàng phối hợp thúc đẩy các khuôn khổ hợp tác Mekong - Lan Thương, Mekong - Nhật Bản và Mekong - Hàn Quốc, đóng góp hiệu quả cho phát triển bền vững tiểu vùng Mekong.
Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 thông qua Tuyên bố về Phát triển hệ sinh thái xe điện.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN với Hoa Kỳ. Ảnh: VGP |
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ lần thứ 11, hai bên nhất trí đẩy mạnh trao đổi thương mại, đầu tư, ổn định chuỗi cung ứng, nâng cao năng lực y tế, đồng thời mở rộng hợp tác ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng bền vững, chuyển đổi số, năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, hợp tác biển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Năm 2022, Hoa Kỳ là đối tác đầu tư lớn nhất ở khu vực, với tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 36,5 tỷ USD, đồng thời là đối tác thương mại lớn thứ 2 của ASEAN với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 420,4 tỷ USD.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, ASEAN và Hoa Kỳ đang bước vào kỷ nguyên hợp tác mới với khuôn khổ Đối tác Chiến lược Toàn diện thiết lập cuối năm qua, cần phối hợp triển khai mối quan hệ hiệu quả, thực chất và cùng có lợi. Thủ tướng nhấn mạnh, cần nhanh chóng đưa hợp tác kinh tế, thương mại trở thành trụ cột và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trở thành động lực thúc đẩy Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Hoa Kỳ.
Theo đó, hai bên cần phối hợp thúc đẩy thương mại hài hòa, bền vững, ổn định chuỗi cung ứng, hạn chế các biện pháp áp thuế chống bán phá giá, trợ cấp và các biện pháp không cần thiết đối với các sản phẩm xuất khẩu, tác động trực tiếp đến việc làm và sinh kế của người dân. Bên cạnh đó, cần dành nguồn lực thích đáng mở rộng hợp tác về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, mở ra không gian phát triển mới và tạo sức bật mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.
Nhằm xây đắp tương lai bền vững cho hơn 1 tỷ người dân, Thủ tướng đề nghị, ASEAN phối hợp với Hoa Kỳ triển khai hiệu quả các Sáng kiến Tương lai ASEAN - Hoa Kỳ về y tế, giáo dục, năng lượng, môi trường, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, đồng thời mong muốn Trung tâm ASEAN - Hoa Kỳ đóng góp hiệu quả cho các nỗ lực này.
Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị, Hoa Kỳ thúc đẩy hợp tác, hỗ trợ Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu, thực hiện Tuyên bố Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng, đồng thời tiếp tục hỗ trợ phát triển Tiểu vùng Mê Công thông qua cơ chế Đối tác Mê Công - Hoa Kỳ, trong đó bảo đảm các nỗ lực phát triển bền vững tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ lần thứ 11 thông qua Tuyên bố chung về hợp tác trên cơ sở Quan điểm AOIP của ASEAN.
Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ lần thứ 11 |
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Canada, hai bên nhất trí phối hợp khai thác hiệu quả dư địa tiềm năng hợp tác, tập trung vào các lĩnh vực chuyển đổi số, an ninh lương thực, hỗ trợ doanh nghiệp, giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, ứng phó biến đổi khí hậu, kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển...
Hội nghị Cấp cao ASEAN - Canada nhất trí thông qua Tuyên bố chung chính thức thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Canada.
Trong năm 2022, tổng kim ngạch hai chiều đạt 23,1 tỷ USD, trong khi tổng vốn FDI từ Canada vào khu vực ASEAN đạt 3,63 tỷ USD. ASEAN hoan nghênh Canada đầu tư 24 triệu đôla Canada (CAD) triển khai sáng kiến Cửa ngõ Thương mại Canada tại Đông Nam Á, và đóng góp ban đầu trị giá 1 triệu CAD cho Quỹ tín thác ASEAN - Canada nhằm hỗ trợ triển khai các chương trình, dự án hợp tác cụ thể.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đây là thời điểm thích hợp để nâng tầm quan hệ ASEAN - Canada lên Đối tác chiến lược, mở ra kỷ nguyên mới trong hợp tác, đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ tích cực phối hợp với các nước đưa các cam kết thành hành động thiết thực, cụ thể, xứng đáng với tầm vóc mới của quan hệ.
Nhấn mạnh hợp tác kinh tế vì thịnh vượng chung cần là trọng tâm ưu tiên của mối quan hệ Đối tác chiến lược mới thiết lập, Thủ tướng đề nghị, cần tập trung đẩy mạnh giao thương, đầu tư, kết nối doanh nghiệp, ổn định chuỗi cung ứng, hỗ trợ tiếp cận thị trường của nhau, mong muốn Canada hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hàng hóa của Việt Nam và các nước ASEAN xuất khẩu sang thị trường Canada.
Hướng tới tương lai phát triển xanh hơn, sạch hơn và bền vững hơn cho thế hệ sau, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực mới nổi như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng, bảo đảm an ninh lương thực, ứng phó biến đổi khí hậu…, đồng thời mong muốn Canada hỗ trợ các nước ASEAN, tiểu vùng Mê Công, trong chuyển đổi năng lượng, giảm thiểu tác động và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cấp cao ASEAN-Canada đã thông qua Tuyên bố tăng cường hợp tác an ninh lương thực và dinh dưỡng trong thời kỳ khủng hoảng.