Áp lực lạm phát đang lớn dần

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dù chịu nhiều áp lực từ biến động trên thị trường quốc tế và trong nước, lạm phát đã được kiểm soát tốt trong 4 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, áp lực lạm phát đang lớn dần, đòi hỏi các giải pháp kiểm soát giá hàng hóa, dịch vụ, phối hợp hiệu quả giữa điều hành lãi suất và tỷ giá cùng các chính sách giảm thuế, phí để giữ vững giá trị tiền đồng, góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
Bình quân 4 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 3,93% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Lê Tiên
Bình quân 4 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 3,93% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Lê Tiên

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2024 tăng 0,07% so với tháng trước, tăng 1,19% so với tháng 12/2023, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 3,93% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, mức tăng CPI 4 tháng đầu năm đã gần chạm ngưỡng mục tiêu 4 - 4,5% của cả năm 2024.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), áp lực lạm phát là một trong những vấn đề đáng lưu ý trong những tháng còn lại của năm 2024. CPI chịu tác động của các yếu tố bên ngoài do biến động giá dầu, lương thực, chất bán dẫn, chi phí vận tải đường biển, hàng không. Đồng thời, các yếu tố bên trong như điều chỉnh giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế, thực hiện chính sách cải cách tiền lương cũng làm gia tăng áp lực lên lạm phát. Bên cạnh đó, tỷ giá USD/VND neo cao làm tăng chi phí nhập khẩu hàng hóa, nguyên, nhiên vật liệu, lãi vay nước ngoài của doanh nghiệp, tác động đến lạm phát trong nước.

“Nhìn chung, áp lực lạm phát từ phía cầu là không lớn mà chủ yếu đến từ phía cung (chi phí sản xuất). Đây là vấn đề cần được đặc biệt lưu ý, theo dõi sát để chủ động có giải pháp điều hành giá chặt chẽ, thận trọng, phù hợp, kịp thời, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp, nền kinh tế, đời sống người dân, tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn, trung và dài hạn”, Bộ KH&ĐT đánh giá.

Đồng quan điểm, một số tổ chức nghiên cứu lo ngại về đà tăng của lạm phát sẽ tiếp tục trong thời gian tới, song vẫn kỳ vọng vào các yếu tố hỗ trợ, đặc biệt là công tác điều hành giá của các cơ quan chức năng. Tại báo cáo kinh tế vĩ mô vừa công bố, Công ty Chứng khoán ACBS lo ngại lạm phát sẽ tăng do nguy cơ giá dầu neo cao vì căng thẳng khu vực Trung Đông; Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chưa quyết định thời điểm cắt giảm lãi suất, gây áp lực mất giá đối với VND. Tuy nhiên, chính sách hiện tại của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn đang cố gắng duy trì nền lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, nên tỷ giá USD/VND có thể neo cao trong một thời gian dài. Bộ đôi lãi suất thấp và tỷ giá USD/VND cao có thể dẫn tới nguy cơ gia tăng lạm phát.

Nguồn: Báo cáo vĩ mô 4 tháng BVSC

Nguồn: Báo cáo vĩ mô 4 tháng BVSC

Mặc dù vậy, ACBS dự đoán lạm phát vẫn có thể không vượt ngưỡng mục tiêu 4,5% nếu giá cả nhóm lương thực thực phẩm (chiếm tỷ trọng 33,5% trong rổ CPI) tiếp tục giảm sau khi tăng nóng 2 tháng đầu năm; Chính phủ đang thực hiện liên tiếp nhiều biện pháp hạ nhiệt tỷ giá; Chính phủ có thể áp dụng các biện pháp như điều tiết thuế, phí đối với các mặt hàng do Nhà nước định giá như sản phẩm xăng dầu, giá điện, giá nước nhằm kiềm chế lạm phát.

Công ty Chứng khoán BVSC cho rằng, các loại lương thực, thực phẩm và xăng dầu nếu có diễn biến tăng sẽ tạo áp lực lên chỉ số CPI trong các tháng tiếp theo của quý II, khi mặt bằng so sánh của các loại hàng hóa này là tương đối thấp trong cùng kỳ. BVSC dự báo, áp lực lạm phát sẽ vẫn cao trong các tháng tới, dự báo chỉ số CPI sẽ tiếp tục tăng trong khoảng 4 - 4,5% trong 2 tháng tới đây.

Tại Báo cáo vĩ mô tháng 4/2024, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, giá điện là yếu tố đáng chú ý với lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2024. Theo đó, cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân sẽ có hiệu lực từ 15/5/2024 dẫn đến quan ngại giá điện có thể sẽ sớm được điều chỉnh. Cụ thể, kỳ điều chỉnh giá điện tiếp theo có thể diễn ra trong tháng 5/2024 cùng với chi phí sản xuất điện tiếp tục tăng do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải huy động nguồn điện chi phí cao để bảo đảm cung ứng điện trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài. Tuy nhiên, do hành động điều chỉnh giá điện luôn gắn với cân đối vĩ mô và Chính phủ vẫn đặt ưu tiên là kiểm soát lạm phát, nên một số ý kiến dự báo, lần tăng giá điện tiếp theo có thể được trì hoãn cho đến khi lạm phát có dấu hiệu quay đầu giảm trở lại.

Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), 4 tháng đầu năm 2024, mặc dù lạm phát vẫn nằm trong tầm kiểm soát dưới ngưỡng mục tiêu, song có thể gia tăng trong thời gian tới, đặc biệt lạm phát chi phí đẩy là yếu tố đáng quan tâm. Trước hết, giá một số nguyên liệu đầu vào được nhập khẩu có xu hướng tăng do VND giảm giá khoảng 5% từ đầu năm đến nay. Bên cạnh đó, lãi suất đang có xu hướng đi lên có thể làm tăng chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đẩy giá cả hàng hóa tăng trong thời gian tới. Đáng chú ý, lương tối thiểu vùng tăng 6% từ 1/7/2024 vừa góp phần đẩy chi phí kinh doanh của doanh nghiệp, vừa có thể tạo lạm phát tâm lý.

Để kiểm soát lạm phát trong ngưỡng mục tiêu đã đặt ra, ông Việt kiến nghị cần kiểm soát tốt giá hàng hóa trước tác động của lạm phát tâm lý. Về chính sách tiền tệ, dư địa kiểm soát biến động của tỷ giá vẫn còn, nên cần phối hợp tốt với chính sách lãi suất để bảo đảm kiềm chế đà tăng của tỷ giá, tránh tác động bất lợi với lạm phát và các yếu tố vĩ mô khác. Đồng thời, bên cạnh đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng 2% đến hết năm 2024 góp phần kiềm chế lạm phát, ông Việt kỳ vọng, Chính phủ sẽ cân nhắc đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ tài khóa như giảm thuế, phí để hỗ trợ giảm gánh nặng chi phí cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Tin cùng chuyên mục