Ảnh minh họa |
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 03 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Một trong những nội dung tại Chỉ thị 03 là Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương giám sát chặt chẽ, triển khai các giải pháp ổn định thị trường vàng; khẩn trương tổng kết, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trình Chính phủ trong quý II.
Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện nay, vàng tiêu thụ trong nước chủ yếu từ nguồn nhập khẩu. Do đó, giá vàng trong nước phụ thuộc vào diễn biến giá vàng thế giới.
Gần đây, giá vàng thế giới liên tục biến động, chủ yếu theo xu hướng tăng do căng thẳng địa chính trị, thương mại, xung đột vũ trang tại nhiều quốc gia trên thế giới leo thang. Do đó, nhu cầu tiêu thụ vàng vật chất ở một số nước và dự trữ vàng của nhiều ngân hàng trung ương tăng mạnh.
Ngân hàng Nhà nước đánh giá, hiện vẫn còn có một số tồn tại như chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế; thị trường vẫn chưa thực sự ổn định bền vững, vẫn chịu tác động bởi yếu tố tâm lý, kỳ vọng, tiềm ẩn rủi ro tác động đến thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở tình hình can thiệp thời gian qua, căn cứ các quy định pháp luật hiện hành, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục cân nhắc can thiệp thị trường vàng nếu cần thiết với khối lượng, tần suất phù hợp.
Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp, đồng bộ bình ổn thị trường vàng, tiếp tục xử lý tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, không để "vàng hóa" nền kinh tế, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an ninh, an toàn tài chính quốc gia.