Thủ tướng yêu cầu tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trước việc doanh nghiệp tiếp cận vốn còn khó, Thủ tướng yêu cầu NHNN điều hành các công cụ chính sách như tỷ giá, lãi suất, cung ứng tiền... cần nhịp nhàng, đồng bộ để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đáp ứng cao nhất nhu cầu vốn của nền kinh tế.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có công điện về tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách.

Công điện cho biết, tiếp cận vốn tín dụng đến nay vẫn khó khăn, tăng trưởng tín dụng đạt thấp - chỉ đạt 6,29% tính đến 11/10 - thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022 (11,12%) cũng như định hướng điều hành cả năm (14-15%).

Do đó, một trong những yêu cầu mà Thủ tướng giao cho Ngân hàng Nhà nước là đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất.

Bên cạnh đó, rà soát kỹ lại, nghiên cứu thủ tục cho vay thông thoáng và giảm lãi suất cho vay, triển khai quyết liệt, hiệu quả chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; tiếp tục đẩy mạnh triển khai gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản; trong đó phát huy vai trò chủ lực của các ngân hàng thương mại nhà nước và sự tham gia tích cực, sáng tạo của các ngân hàng thương mại cổ phần.

Đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, rà soát, kiên quyết cắt giảm thủ tục hành chính không còn phù hợp gây tốn kém, phiền hà, tăng chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ, hiệu quả các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng, nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tăng cường hơn nữa kết nối ngân hàng-doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, tiết giảm chi phí hoạt động, đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nhất là các gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội và 15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản.

Ngoài ra triển khai các gói tín dụng phù hợp của các ngân hàng thương mại nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp cùng vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, trong đó tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước cũng cần bám sát thị trường điều hành chính sách tiền tệ chủ động, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, điều hành các công cụ chính sách như tỷ giá, lãi suất, cung ứng tiền nhịp nhàng, đồng bộ. Điều này nhằm tháo gỡ khó khăn, đáp ứng cao nhất nhu cầu vốn của nền kinh tế, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Tin cùng chuyên mục