Thừa Thiên Huế đề xuất điều chỉnh quy hoạch cảng Chân Mây

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thừa Thiên Huế vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị điều chỉnh các quy hoạch liên quan đến Khu bến cảng Chân Mây để có cơ sở triển khai thực hiện Dự án Tổ hợp thép xanh Chân Mây do Công ty CP Tập đoàn Xuân Thiện đang nghiên cứu triển khai.
Việc bổ sung Nhà máy Thép xanh tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu vận tải, đặc biệt là vận tải biển. Ảnh: Võ Thạnh
Việc bổ sung Nhà máy Thép xanh tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu vận tải, đặc biệt là vận tải biển. Ảnh: Võ Thạnh

Cụ thể, tại Văn bản số 12121/UBND-GT ngày 8/11/2023, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Bộ GTVT, Cục Hàng hải Việt Nam điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 liên quan đến khu bến Chân Mây. Theo đó, để phục vụ nhu cầu xuất nhập hàng hóa cho Dự án Tổ hợp thép xanh Chân Mây tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Tập đoàn Xuân Thiện đề xuất bổ sung Dự án Cảng biển thép xanh tại Khu bến Chân Mây. Giai đoạn 1 (thời gian thực hiện 2024 - 2027) có quy mô 5 bến cảng, tổng chiều dài 1.450 m và 1 bến sản xuất sản phẩm dài 250 m cỡ tàu tiếp nhận trọng tải 70.000 DWT hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện, công suất khoảng 10 triệu tấn/năm. Giai đoạn 2 (thời gian thực hiện 2026 - 2035) có 5 bến, trong đó 2 bến chuyên dùng hàng rời, 2 bến container và 1 bến nhập khí LNG với tổng chiều dài 2.500 m, công suất lượng hàng thông qua cảng 30 - 40 triệu tấn/năm, cỡ tàu tiếp nhận trọng tải từ 150.000 DWT đến 200.000 DWT…

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xác định, Tổ hợp thép xanh Chân Mây là dự án trọng điểm tại địa phương. Việc bổ sung Nhà máy Thép xanh tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu vận tải, đặc biệt là vận tải biển.

Theo đó, về Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị điều chỉnh chức năng Khu bến cảng Chân Mây từ “phục vụ trực tiếp Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và khu vực lân cận, kết hợp tiếp chuyển hàng cho Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Đông Bắc Vương quốc Thái Lan; có các bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí, kết hợp tiếp nhận tàu khách quốc tế” sang “phục vụ liên vùng, kết hợp tiếp chuyển hàng cho Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Đông Bắc Vương quốc Thái Lan; có các bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí, kết hợp tiếp nhận tàu khách quốc tế”. Cùng với đó, địa phương này kiến nghị điều chỉnh cỡ tàu tiếp nhận từ “tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 70.000 tấn” thành “tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải từ 150.000 tấn”. Ngoài ra, liên quan đến mục phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng, Thừa Thiên Huế đề nghị bổ sung nội dung “thiết lập, cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải luồng Chân Mây cho tàu trọng tải đến 150.000 tấn; đầu tư xây dựng đê chắn cát khu bến cảng Chân Mây”.

Về đề xuất Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 tại Khu bến cảng Chân Mây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Bộ GTVT xem xét hiệu chỉnh lại số liệu phù hợp với thực tế và quy hoạch phát triển của Cảng biển tỉnh Thừa Thiên Huế phù hợp với nội dung kiến nghị điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam. Đơn cử, về Quy hoạch chi tiết Khu bến cảng Chân Mây, đến năm 2025 quy mô phát triển từ 5 đến 7 cầu cảng; năng lực thông qua từ 7,5 triệu tấn đến 13,42 triệu tấn (tờ trình trước đó là từ 5 đến 6 cầu cảng; năng lực thông qua từ 8,5 triệu tấn đến 12,3 triệu tấn).

Về nội dung Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng tại cảng biển Thừa Thiên Huế, địa phương này cũng đề nghị điều chỉnh, bổ sung nội dung: “Đến năm 2025, cải tạo, nâng cấp luồng Chân Mây cho tàu trọng tải đến 70.000 tấn; cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải Thuận An cho tàu trọng tải từ 3.000 tấn đến 5.000 tấn. Đến năm 2030, cải tạo, nâng cấp luồng Chân Mây cho tàu trọng tải đến 150.000 tấn”. Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, việc xem xét điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch, tạo điều kiện để Tỉnh triển khai các bước tiếp theo và thực hiện tốt công tác quản lý và thực hiện các thủ tục đầu tư, bảo đảm phù hợp với quy hoạch phê duyệt.

Theo một cán bộ của đơn vị tư vấn lập Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, việc điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch liên quan đến Khu bến cảng Chân Mây là cần thiết để tạo điều kiện thu hút dự án đầu tư, thúc đẩy sự phát triển của Tỉnh trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, việc đề xuất điều chỉnh như trên có thể làm chậm tiến độ hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tin cùng chuyên mục