Nhà nước kiến tạo thể hiện rõ qua những nỗ lực trong cải thiện môi trường kinh doanh. Ảnh: Tiên Giang |
Theo các chuyên gia kinh tế, thành công của việc xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển hay Nhà nước kiến tạo phát triển phụ thuộc rất nhiều vào những cải cách mạnh mẽ.
Đòi hỏi từ thực trạng nền kinh tế
Từ những phân tích kinh tế trong và ngoài nước nửa đầu năm 2017, Nhóm nghiên cứu xây dựng Báo cáo Kinh tế thường niên năm 2017 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa đưa ra khuyến nghị Việt Nam phải có những thay đổi chính sách, điều chỉnh thể chế thì mới bắt kịp được với những điều kiện mới. Cụ thể, Việt Nam nên thận trọng với tâm lý đặt mục tiêu tăng trưởng cao bằng mọi giá, dẫn tới trì hoãn với cải cách. Chính phủ cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho khối doanh nghiệp (DN) tư nhân phát triển.
Về dài hạn, Nhóm nghiên cứu lưu ý, Chính phủ cần giải quyết dứt điểm bài toán giữa những khoản thu ngắn hạn và lợi ích trong dài hạn. Việc thoái vốn khỏi các DN nhà nước lớn cần thực hiện quyết đoán hơn nhằm tạo nguồn chi đầu tư phát triển.
Đồng thuận với quan điểm này, ông Trương Đình Tuyển, chuyên gia kinh tế cao cấp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, kinh tế Việt Nam đang khai thác tiềm năng ngắn hạn là chủ yếu. Phát triển như vậy là không bền vững. Về khả năng đạt mức tăng trưởng 6,7% hay 6,3%, ông Tuyển cho rằng, trên thế giới, khi một nước đạt được mức thu nhập bình quân đầu người 2.000 USD, thì khó đạt được mức tăng trưởng trên 6%. Khả năng tăng trưởng trong năm nay của Việt Nam có thể đạt được 6,3%, nếu trên 6% là kết quả đáng ghi nhận. Do đó, chúng ta phải tập trung khai thác tiềm năng dài hạn. Muốn làm được điều đó phải tái cơ cấu nền kinh tế, xây dựng một nhà nước kiến tạo phát triển.
Ông Trương Đình Tuyển nhấn mạnh, việc xây dựng nhà nước kiến tạo không phải là ý chí chủ quan của một người. Khoa học công nghệ đang có tốc độ phát triển như vũ bão, tạo ra giá trị sản phẩm cao, việc gia nhập và rút khỏi thị trường cũng diễn ra rất nhanh chóng. Đây chính là sự phát triển biện chứng, tương tác giữa sự phát triển của lực lượng sản xuất và yêu cầu của thị trường, chuyển đổi chức năng nhà nước từ sở hữu, chỉ huy sang nhà nước can thiệp và nay là kiến tạo phát triển.
Bắt đầu từ cải cách thể chế
Theo ông Trương Đình Tuyển, nội hàm của nhà nước kiến tạo là cải cách thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh, nên cần phải phân tích rõ cải cách thể chế là gốc, sau đó mới cải thiện môi trường kinh doanh. Một nhà nước pháp quyền là thượng tôn pháp luật, chỉ hạn chế quyền người dân vì an ninh quốc gia, môi trường, sức khỏe, còn lại người dân và DN được làm những gì mà pháp luật không cấm.
Đồng thuận với quan điểm trên, TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, hiện nay trên thế giới có nhiều cách định nghĩa khác nhau về “nhà nước kiến tạo”. Với Việt Nam, có thể hiểu nội hàm của khái niệm “nhà nước kiến tạo” qua những nỗ lực mà Chính phủ đang cố gắng thực hiện thời gian qua, đó là quyết liệt thúc đẩy và cải thiện môi trường kinh doanh.
Cũng theo ông Dũng, kinh phí dành cho nền quản trị quốc gia tại Việt Nam hiện nay quá lớn. Với so sánh, nếu người dân Mỹ nuôi trên 10 người từ ngân sách, thì người dân Việt Nam phải nuôi trên 100 người, ông Dũng nhấn mạnh, muốn cắt giảm chi phí thì bộ máy nhà nước phải thay đổi. Những gì xã hội làm được thì Nhà nước sẽ không tham gia.
Liên quan đến vấn đề thúc đẩy cạnh tranh, ông Dũng cho rằng, hiện vẫn còn tình trạng độc quyền, độc quyền tự nhiên, độc quyền nhà nước... Muốn thúc đẩy cạnh tranh trong bối cảnh thể chế hạn chế sự độc quyền còn yếu, nhất thiết phải chống chủ nghĩa tư bản thân hữu, xóa bỏ tư duy “nếu không quen thân thì không làm ăn được gì”.
Một bộ phận cấu thành nhà nước kiến tạo không thể thiếu được là nhà nước phải cung cấp dịch vụ công chất lượng và giá rẻ. Điều này không chỉ nằm ở cải cách quy trình, thủ tục hành chính, mà còn phải thu hút được người tài, có trách nhiệm để trong trường hợp chính sách được ban hành thất bại, thì tổ chức, cá nhân ban hành chính sách đó phải sẵn sàng chịu trách nhiệm.