Bệnh viện Giao thông vận tải Trung ương là đơn vị sự nghiệp công đầu tiên chuyển thành công ty cổ phần. Ảnh: NC st |
Theo đánh giá, những tiêu chí, danh mục ngành, lĩnh vực nêu tại Dự thảo đã rõ ràng để các đơn vị triển khai một cách dễ dàng.
20 ngành, lĩnh vực sẽ cổ phần hóa
Dự thảo Quyết định gồm 5 điều, quy định tiêu chí, danh mục ngành, lĩnh vực hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập để thực hiện chuyển thành công ty cổ phần trong giai đoạn 2017 - 2020. Đối tượng áp dụng là các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, UBND cấp tỉnh, công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước; đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc đơn vị sự nghiệp công lập; tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.
Đáng lưu ý, so với Danh mục được đưa ra trước đó có đề xuất 21 ngành, lĩnh vực sẽ cổ phần hóa thì tại Dự thảo Quyết định lần này Danh mục còn 20 ngành, lĩnh vực. Một số ngành, lĩnh vực tiêu biểu như: thoát nước và xử lý nước thải; vệ sinh môi trường; chiếu sáng; khai thác, sản xuất và cung cấp nước sạch; dịch vụ tư vấn trong các lĩnh vực (lập quy hoạch đô thị, pháp luật, kế toán, kiểm toán, thuế, thẩm định giá tài sản, nghiên cứu thị trường, thăm dò dư luận xã hội, tư vấn về quản lý và kinh doanh…); quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ, đường thủy nội địa…
Đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện chuyển thành công ty cổ phần khi đáp ứng đồng thời tiêu chí: tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên trong năm gần nhất với thời điểm thực hiện chuyển đổi, hoặc có khả năng tự bảo đảm được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên sau khi chuyển đổi; thuộc danh mục chuyển thành công ty cổ phần theo quy định tại Điều 3 Quyết định này.
Để cổ phần hóa thành công
Qua các báo cáo, số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện về tài chính (bảo đảm tự chủ toàn bộ kinh phí hoạt động) và có đề xuất chuyển thành công ty cổ phần là rất ít (chỉ chiếm 3,37% tổng số đơn vị rà soát tại 92 báo cáo). Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc vẫn còn e ngại, có tư tưởng trông chờ sự bao cấp của Nhà nước; các đơn vị sự nghiệp công lập gặp khó khăn khi chuyển sang mô hình doanh nghiệp, lúng túng trong quản lý cũng như tham gia vào mối quan hệ thị trường, cung - cầu, cạnh tranh…
Để công tác cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công hiệu quả, ông Nguyễn Mạnh Hải, Trưởng ban Ban Chính sách dịch vụ công thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, cần phải có sự phân loại một cách rõ ràng, từng giai đoạn cũng như thể trạng của từng đơn vị sự nghiệp công khi chuyển đổi. “Nếu chúng ta gộp thành một nhóm, nói một cách chung chung thì khó mà giải quyết được hết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện”, ông Hải nêu quan điểm.
Đồng tình với ông Hải, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cũng cho rằng, khi chuyển đổi, quan trọng nhất là người lãnh đạo của đơn vị ấy có đủ năng lực chuyên môn hay không, đơn vị có nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hay không. Theo ông Mạc Quốc Anh, nhiều đơn vị sự nghiệp công chỉ có lợi thế về mặt đất đai, đôi khi lợi thế này đã bị nhà đầu tư “lợi dụng” mua cổ phần rồi bán đi bán lại nhằm thu lợi nhuận. Tất cả vấn đề này cần được cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ, góp phần chuyển đổi thành công.