Ông Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Chu Ngọc Thắng |
Theo ông Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương, hiện nay ở Việt Nam, nhu cầu tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm 2021 - 2025 khoảng 32 - 34% GDP. Tuy nhiên, tỷ trọng vốn đầu tư công bình quân 5 năm chỉ chiếm khoảng 16 - 17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội (khoảng 2,9 triệu tỷ đồng). Như vậy, vốn đầu tư công không thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu vốn cho đầu tư kinh tế - xã hội; việc huy động các nguồn lực xã hội khác, đặc biệt là nguồn lực khu vực tư đóng vai trò hết sức quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Trong những năm qua, việc triển khai đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng của đất nước. Hàng nghìn tỷ đồng vốn tư nhân đã được huy động để xây dựng quốc lộ, đường cao tốc, nhà máy điện và nhiều dự án khác góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Tuy nhiên, việc triển khai các dự án phát triển hạ tầng xã hội theo phương thức đối tác công tư ở Việt Nam còn gặp nhiều vướng mắc, chưa được xử lý triệt để, ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đầu tư PPP nói chung và việc triển khai các dự án PPP mới. Số lượng các dự án mới được triển khai theo quy định của Luật PPP vẫn còn hạn chế, đa phần đều là các dự án chuyển tiếp, chủ yếu tập trung trong lĩnh vực giao thông, ít được triển khai trong các lĩnh vực khác. "Điều này cho thấy, nguồn lực đầu tư công chưa thực sự phát huy được vai trò dẫn dắt, làm "vốn mồi" để thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân tham gia đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng", ông Đỗ Ngọc An nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các đại diện từ bộ, ngành, ngân hàng, tổ chức quốc tế tập trung trao đổi về tình hình thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, thực trạng và giải pháp; đánh giá khách quan về những kết quả đạt được; phân tích những khó khăn, hạn chế trong thực hiện triển khai đầu tư theo phương thức đối tác công tư...
Nguyên nhân của các hạn chế, khó khăn cũng đã được phân tích, như: công tác tuyên truyền, hướng dẫn còn thiếu hiệu quả; nhiều dự án được lựa chọn áp dụng PPP chưa khả thi; chưa có quy định về cơ chế hiện thực hoá cam kết của phía Nhà nước đối với các bảo lãnh trong hợp đồng PPP…
Các đại biểu cũng đã trao đổi, đề xuất các giải pháp xây dựng môi trường thu hút đầu tư theo phương thức đối tác công tư tin cậy, bền vững; thảo luận về những vướng mắc trong cơ chế tài chính đối với dự án PPP; đưa ra các giải pháp thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong các ngành, lĩnh vực như y tế, giao thông…
Trong khuôn khổ Hội thảo sẽ diễn ra 2 phiên thảo luận với chuyên đề "Giải pháp thúc đẩy PPP trong phát triển một số lĩnh vực xã hội và cung cấp dịch vụ sự nghiệp công" và "Giải pháp thúc đẩy PPP trong lĩnh vực giao thông, năng lượng, xử lý rác thải, nước thải, cấp nước".