Thúc đẩy mô hình hợp tác xã sau đại dịch Covid-19: Nhận diện rõ cơ hội và thách thức

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Theo các chuyên gia trong nước và quốc tế, để thúc đẩy mô hình hợp tác xã (HTX) hỗ trợ nông dân phục hồi sản xuất sau đại dịch Covid-19 và thích ứng với biến đổi khí hậu, hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì trong chiến lược phát triển HTX nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030 cần phải nhận diện rõ những cơ hội và thách thức của HTX thời gian tới, cùng với đó triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy khả năng tiếp cận vốn vay cho HTX.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phát biểu tại Hội thảo Thúc đẩy mô hình HTX hỗ trợ nông dân Việt Nam phục hồi sản xuất sau đại dịch Covid-19 và thích ứng với biến đổi khí hậu, hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra chiều ngày 10/12/2020 tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Đoàn - Cục trưởng Cục Phát triển HTX thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc cách mạng 4.0, các hộ gia đình và cá nhân sẽ gặp khó khăn lớn trong việc sản xuất kinh doanh, tiếp cận thị trường và cạnh tranh với các doanh nghiệp. Giá nông sản thô ngày càng biến động mạnh, thị trường có nhiều rủi ro, giá cả nông sản trên thế giới có thể bị thay đổi bất ngờ... Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt sắp tới, giải pháp xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, kết hợp tổ chức lại sản xuất, tăng cường hợp tác là hết sức cần thiết.

Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia đã phân tích những cơ hội đối với kinh tế HTX trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Nếu tận dụng tốt, các HTX sẽ có nhiều cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu, xuất khẩu nông sản và nông sản chế biến; học hỏi, cọ xát, nâng cao năng lực, tiếp nhận công nghệ sản xuất và công nghệ quản lý mới. Thông qua áp dụng khoa học công nghệ, “kinh tế số”, các HTX sẽ tối ưu hóa việc phân bổ nguồn lực, phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn; cắt giảm được chi phí, mở rộng thị trường, quản trị chuỗi giá trị tốt hơn...

Ông Helmut Pabst, Liên đoàn HTX Raiffeisen CHLB Đức cho rằng, Việt Nam đang tham gia ngày càng sâu rộng vào tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế với các cam kết mở thị trường về thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư theo các hiệp định mậu dịch tự do. Điều này sẽ mở ra cho các HTX Việt Nam nhiều cơ hội để mở rộng thị trường, cung cấp hàng hóa khối lượng lớn, đảm bảo đầu ra và giá cả hợp lý cho các sản phẩm. Cũng giống nhiều HTX ở Đức, vấn đề hiện nay của nhiều HTX Việt Nam là khả năng hạn chế trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ tín dụng, đất đai, hạ tầng sản xuất. Vì thế, cần phải triển khai các giải pháp đồng bộ để thúc đẩy khả năng tiếp cận cho các HTX. Ở Đức, các liên đoàn HTX đã triển khai các thủ tục pháp lý, cấp chứng nhận kinh doanh, đánh giá về tính khả thi và triển vọng kinh tế để cho các HTX thành viên tiếp cận các nguồn vốn vay dễ dàng.

Nhiều chuyên gia nông nghiệp trong nước và đại diện các HTX địa phương cũng cho biết, vấn đề lớn nhất hiện nay của HTX là chất lượng và sự cạnh tranh đầu ra của các sản phẩm nông nghiệp. Do sản xuất nông nghiệp vẫn nhỏ lẻ nên khâu kiểm soát sau thu hoạch còn yếu, thông tin về thị trường không cập nhật, không đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu nước ngoài. Nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt trên cả thị trường trong nước và quốc tế về giá thành, thương hiệu, đòi hỏi các sản phẩm ngày càng phải được hoàn thiện, nâng cao chất lượng và giá trị, quy mô sản xuất hàng hóa phải được chuyên môn hóa cao và giá thành sản phẩm phải bảo đảm tính cạnh tranh. Trong khi đó, vốn sản xuất kinh doanh thì hạn hẹp, khó huy động và không có tài sản thế chấp để vay vốn của các tổ chức tín dụng; hoạt động của các HTX chưa có sự liên kết chặt chẽ hệ thống cả về kinh tế, xã hội lẫn tổ chức.

Tại Hội thảo Thúc đẩy khả năng tiếp cận vốn vay cho các HTX của Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức vào chiều ngày 10/12/2020 tại Hà Nội, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đưa ra một số giải pháp để khuyến khích và tạo điều kiện cho vay vốn đối với các HTX như: ưu tiên, bố trí và lồng ghép các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện chính sách ưu đãi hỗ trợ HTX; hỗ trợ về quỹ đất, tạo điều kiện cho các HTX xây dựng trụ sở, cơ sở sản xuất kinh doanh...; tòa án nhân dân xem xét giải quyết theo trình tự rút gọn khi xử lý nợ xấu cho các HTX...

Đại diện Bộ Tài chính cũng đưa ra một số khuyến nghị về chính sách, hướng dẫn các HTX tiếp cận các chính sách ưu đãi về thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế tài nguyên, thuế xuất - nhập khẩu, thuế sử dụng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp); xây dựng các quỹ hỗ trợ phát triển HTX...

Tin cùng chuyên mục