Ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường thuộc Bộ Xây dựng |
Khảo sát sơ bộ cho thấy, có tới 99% doanh nghiệp sản xuất VLXD tại Việt Nam đang lưu hành những sản phẩm phát thải thấp, VLXD xanh nhưng không dán nhãn VLXD xanh, nhãn năng lượng. Trong khi đó, đây là việc làm giúp doanh nghiệp có điều kiện khẳng định tính chất xanh, ưu việt, tiết kiệm năng lượng của sản phẩm và thể hiện trách nhiệm với môi trường, xã hội của mình.
Ngay cả với xuất khẩu, thị trường các quốc gia ở châu Âu cũng yêu cầu phải có “dấu chân carbon” trên sản phẩm, yêu cầu trên nhãn hàng hóa phải có thông tin về giá trị phát thải CO2 trên 1 đơn vị sản phẩm (m2, tấm…). Các doanh nghiệp VLXD Việt Nam muốn vươn tới thị trường xuất khẩu cũng phải nhận thức được xu thế này để sớm thay đổi, thích ứng.
Trong năm 2022, Viện VLXD thuộc Bộ Xây dựng đã xây dựng bộ tiêu chí đánh giá và dán nhãn VLXD xanh, nhãn năng lượng cho sản phẩm VLXD. Tuy nhiên, việc dán nhãn này vẫn ở dạng tự nguyện, chưa bắt buộc. Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cũng không có yêu cầu dán nhãn năng lượng cho sản phẩm VLXD.
Tuy nhiên, để triển khai hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả ở Việt Nam, trong đó có phát triển sản xuất và sử dụng VLXD phát thải thấp và hiệu quả năng lượng cho xây dựng, dán nhãn năng lượng cho VLXD thì việc sửa đổi quy định pháp lý, trong đó có Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp quan trọng, góp phần hiện thực hóa cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP26, đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050.