Thúc doanh nghiệp tiếp cận thị trường toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Forbes Advisor dự báo, giá trị thương mại điện tử (TMĐT) trên toàn cầu sẽ đạt 6,3 nghìn tỷ USD vào năm 2023 và 8,1 nghìn tỷ USD vào năm 2026. Thị trường toàn cầu mở cơ hội và tiềm năng rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam khi mà thông qua TMĐT, doanh nghiệp có thể bán sản phẩm và dịch vụ của mình cho bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu từ trang web của chính mình…
Việt Nam thuộc nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới (theo xếp hạng của eMarketer năm 2022)
Việt Nam thuộc nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới (theo xếp hạng của eMarketer năm 2022)

Nền tảng pháp lý phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam

Làn sóng số hóa thúc đẩy và làm bùng nổ TMĐT, làm thay đổi bối cảnh bán lẻ và khơi dậy một kỷ nguyên mới về hành vi của người tiêu dùng trên toàn thế giới. Chính phủ Việt Nam đã sớm nhận ra tầm quan trọng của TMĐT đối với tăng trưởng kinh tế và vì thế đã nghiên cứu, xây dựng nhiều chính sách, mở rộng hợp tác quốc tế và tham gia nhiều sáng kiến để thúc đẩy chuyển đổi số cũng như thương mại trực tuyến.

Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 645/QĐ-TTg về Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025. Năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về TMĐT. Cùng với đó, nhiều văn bản được ban hành, như Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 01/2022/TT-BCT của Bộ Công Thương, nhằm hướng dẫn, đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển TMĐT, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.

Oanh Lê Chuyên gia ICF, Ths Đại học La Trobe (Úc)

Oanh Lê

Chuyên gia ICF, Ths Đại học La Trobe (Úc)

Thực tế cho thấy, hoạt động TMĐT tại Việt Nam đã có sự phát triển mạnh trong mấy năm gần đây. Theo một số thống kê, 4 sàn TMĐT có thị phần lớn nhất tại Việt Nam là Shopee, Lazada, Tiki và Sendo. Tổng doanh số của 4 sàn này cộng thêm nền tảng Tiktok Shop (hoạt động tại Việt Nam từ ngày 28/04/2022) lên tới 141.000 tỷ đồng (khoảng 6 tỷ USD).

Sự phát triển của TMĐT đã khiến hành vi kinh doanh của DN cũng như tiêu dùng của người dân thay đổi rất mạnh. Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, khoảng 65% doanh nghiệp đã triển khai hoạt động kinh doanh trên các mạng xã hội. Việt Nam có khoảng 69 triệu người đã dùng điện thoại thông minh; dự báo có khoảng 82 triệu người dùng vào năm 2025, đến năm 2030, tỷ lệ này ước đạt 85,74% dân số. Đây là tệp khách hàng rộng lớn trong hiện tại và tương lai của hình thái TMĐT.

Sự phát triển đáng ghi nhận khác là hình thức thanh toán. Nếu năm 2021 phương thức thanh toán được ưu tiên lựa chọn là tiền mặt khi nhận hàng (COD), thì hiện nay, Việt Nam đang nằm trong nhóm các thị trường đứng đầu về tỷ lệ đón nhận các công nghệ tài chính (Fintech) và Metaverse, VR… Khoảng 58% người tiêu dùng số tại Việt Nam đã sử dụng các giải pháp Fintech (ngân hàng trực tuyến, ví điện tử, ứng dụng chuyển tiền...). Các con số trên cho thấy, ngày càng có nhiều người tiêu dùng yêu thích hình thức mua sắm trực tuyến và vận động theo sự yêu thích này.

Tiềm năng phát triển thương mại điện tử

Năm 2023, kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, nhưng theo khảo sát của VECOM, TMĐT vẫn phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng quý I/2023 trên 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo cả năm vẫn có thể đạt tăng trưởng trên 25%, với quy mô trên 20 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng cao dự báo sẽ duy trì trong giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, đến năm 2025, tổng doanh thu trong lĩnh vực TMĐT sẽ tăng lên 39 tỷ USD, tương đương 70% giá trị nền kinh tế số Việt Nam.

Báo cáo “Vietnam: New E-Commerce Hotspot in Southeast Asia by 2026” của Facebook và Bain & Company nhận định, hình thái TMĐT Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Đến năm 2026, Việt Nam sẽ là thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa TMĐT ước đạt 56 tỷ USD, gấp 4,5 lần giá trị dự đoán vào năm 2021. Với tốc độ tăng trưởng trên 20%/năm, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới (xem Bảng).

Để doanh nghiệp tự tin trên sân chơi toàn cầu

Dù đạt tăng trưởng cao so với chính mình, nhưng xét trong bức tranh toàn cầu thì giá trị TMĐT ghi nhận tại Việt Nam vẫn quá nhỏ.

Điểm đáng tiếc là hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam mới biết về TMĐT trong nước, chứ chưa tập trung phát triển kênh TMĐT quốc tế. Thực tế này có thể do nhiều nguyên nhân, như doanh nghiệp còn thiếu khả năng tiếp cận các thông tin, yêu cầu về tuân thủ thương mại và thông tin hải quan ở các quốc gia khác trên thế giới. Doanh nghiệp gặp rào cản về ngôn ngữ và văn hóa, các phương thức thanh toán khác nhau, quản lý thanh toán điện tử và thuế từ khách hàng quốc tế; quản lý vận chuyển, hậu cần xuyên biên giới. Cùng với đó là mức độ cạnh tranh lớn về dịch vụ, giá cả sản phẩm; hành vi, kỳ vọng của người tiêu dùng trong không gian TMĐT thay đổi nhanh chóng, nên không dễ để “có chân” trên thị trường TMĐT toàn cầu. Chưa kể là e ngại về các vấn đề về an toàn, an ninh mạng, các cuộc tấn công vào các giao dịch trực tuyến đe dọa tính vẹn toàn của dữ liệu, thông tin người tiêu dùng, quyền sở hữu trí tuệ, thuế và các quy định thương mại xuyên biên giới…

Để thâm nhập thị trường TMĐT toàn cầu, các cơ quan liên quan của Việt Nam cần chung tay thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp. Yêu cầu tiên quyết là doanh nghiệp phải được tiếp cận những xu hướng phát triển của ngành, thị trường, hành vi người tiêu dùng, khung pháp lý ở các quốc gia khác nhau. Bản thân doanh nghiệp cần bắt kịp với xu thế chuyển đổi số, tận dụng tối đa sức mạnh của trí tuệ nhân tạo, ChatGPT để nghiên cứu thị trường, xác định các đặc điểm mua hàng, quản lý quan hệ khách hàng, xu hướng tiếp thị/sản phẩm mà thị trường mục tiêu cần. Lấy khách hàng là trung tâm, thấu hiểu, nhận biết nhu cầu của khách hàng, hiểu họ muốn gì trước khi họ nhận ra điều đó.

Điều quan trọng nhất là doanh nghiệp phải tạo được các sản phẩm khác biệt với chất lượng tốt hơn, nhất là trong các lĩnh vực mà Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh như: dệt may, điện tử, nông sản, các sản phẩm thủ công làng nghề và sản phẩm “xanh”. Các giải pháp hỗ trợ khác cũng cần hoàn thiện, như phát triển khâu vận chuyển và hậu cần quốc tế bằng cách hợp tác với nền tảng phân phối toàn cầu như: Amazon, eBay, Alibaba hoặc Etsy. Doanh nghiệp cũng cần mạnh dạn xây dựng mối quan hệ với các đối tác và khách hàng quốc tế tiềm năng bằng cách tham gia vào các hội thảo, diễn đàn quốc tế và các triển lãm thương mại quốc tế có liên quan…

Nhìn ra cơ hội để đầu tư, phát triển các giải pháp nhằm gia nhập hình thái thương mại của tương lai là việc các doanh nghiệp, doanh nhân không nên bỏ qua trong kỷ nguyên số. Hàng quốc tế đang tràn vào Việt Nam theo nhiều cách, nên các nỗ lực từ doanh nghiệp Việt Nam cũng cần hướng đến mục tiêu gia nhập thị trường quốc tế, bán sản phẩm của mình cho bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu thông qua hình thái TMĐT.

Tin cùng chuyên mục