Thúc tiến độ 9 dự án nguồn điện để giảm nguy cơ thiếu điện

(BĐT) - Hiện nhiều dự án nguồn điện trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh chậm tiến độ, trong đó có 9 dự án nguồn điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư đang bị chậm hoặc có nguy cơ cao sẽ chậm tiến độ. Điều này có thể dẫn tới nguy cơ thiếu điện cao trong tương lai. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan giải quyết nhanh các thủ tục để triển khai nhanh một số dự án nguồn điện. 
Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng đang chậm tiến độ 2 năm so với yêu cầu trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh (ảnh: Internet)
Dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng đang chậm tiến độ 2 năm so với yêu cầu trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh (ảnh: Internet)

Nhiều dự án chậm tiến độ từ 1 - 5 năm

Tại cuộc họp thường trực Chính phủ về tình hình cung ứng điện của hệ thống điện quốc gia và các giải pháp đảm bảo cung ứng điện đến năm 2025 mới đây, Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và doanh nghiệp liên quan đẩy nhanh tiến độ 9 dự án nguồn điện của EVN. Đó là các dự án nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I, Quảng Trạch II, Dung Quất I và Dung Quất III (đồng bộ với Dự án khí Cá Voi Xanh), Ô Môn III và Ô Môn IV (đồng bộ với Dự án khí Lô B); các dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng, Yaly mở rộng, Trị An mở rộng cũng được yêu cầu sớm triển khai.

Đề cập về tiến độ của 9 dự án nguồn điện, trong một báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, hầu hết các dự án đang chậm tiến độ so với yêu cầu từ 1 - 5 năm.

Điển hình là Dự án Nhà máy tuốc bin khí chu trình hỗn hợp (TBKHH) Ô Môn III hiện đã chậm tiến độ tới 5 năm so với kế hoạch đưa ra tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh để đồng bộ tiến độ với khí lô B. Cụ thể, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, TBKHH Ô Môn III phải hoàn thành vào năm 2020, nhưng sau khi đánh giá lại tiến độ thì khả năng phải đến năm 2025 Dự án mới có thể hoàn thành. Tương tự, Dự án Nhà máy TBKHH Ô Môn IV theo tiến độ Quy hoạch điện VII điều chỉnh thì phải hoàn thành vào năm 2021 nhưng dự kiến chỉ có thể hoàn vào năm 2023.

Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch I cũng đang gặp nhiều vướng mắc về đền bù giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư xây dựng nên Dự án đang chậm 1 năm so với yêu cầu. Đây chính là Dự án mà EVN nhận chuyển giao từ Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN). Đầu tháng 6/2019, EVN đã có văn bản báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng về thực hiện điều khoản chuyển tiếp của Luật Đầu tư năm 2014 trong quá trình triển khai Dự án theo yêu cầu của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, 3 dự án mở rộng các nhà máy thủy điện có tổng mức đầu tư rất lớn thì hiện 2/3 (Hòa Bình, Yaly) cũng chậm tiến độ từ 2 - 3 năm theo yêu cầu Quy hoạch điện VII điều chỉnh.  Riêng Dự án Thủy điện Trị An mở rộng được xem là có nhiều yếu tố thuận lợi hơn nhưng cũng còn vướng mắc ở việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của 23,5 hécta trong phần đất sử dụng vĩnh viễn khiến cho quy trình triển khai Dự án bị đình trệ.

Giải pháp nào đẩy nhanh tiến độ?

Lý giải về những nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ các dự án nguồn điện hiện nay, Bộ Công Thương cho rằng có một số nguyên nhân lớn như: khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, thu xếp vốn đầu tư, thủ tục đầu tư xây dựng...

Nêu rõ vướng mắc trong thủ tục đầu tư xây dựng, Bộ Công Thương cho biết, một số quy định hiện hành về đầu tư xây dựng còn thiếu tính thống nhất, chồng chéo gây nên những khó khăn nhất định dẫn tới công tác chuẩn bị đầu tư dự án bị kéo dài. Ví dụ như các dự án Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Ialy mở rộng… Một số dự án đang thực hiện đầu tư nhưng thuộc phạm vi điều chỉnh của các văn bản pháp luật mới nên phải trình duyệt lại chủ trương đầu tư...

Với tinh thần không được để thiếu điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân trong giai đoạn tới, để tháo gỡ khó khăn cho các dự án nguồn điện, nhằm đảm bảo cung ứng điện đến năm 2025, Thường trực Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc xem xét việc áp dụng quy định tại Luật Điện lực để cho phép triển khai các dự án điện cần thiết, cấp bách nhằm đảm bảo cung ứng điện, nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện. Danh mục các dự án này sẽ được cập nhật vào quy hoạch hoặc điều chỉnh quy hoạch ngành điện được lập mới hoặc điều chỉnh theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch.

Đối với Dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I, Thường trực Chính phủ yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xem xét việc giao EVN thực hiện các bước tiếp theo mà không trình duyệt lại chủ trương đầu tư.

Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương đổi mới phương pháp thực hiện giám sát các dự án điện, nhất là các dự án trọng điểm, cấp bách; thường xuyên giao ban kiểm điểm tiến độ các dự án, xử lý ngay các nội dung thuộc thẩm quyền và kịp thời báo cáo cơ quan, cấp có thẩm quyền xử lý các vấn đề ngoài thẩm quyền…

Đề xuất giải pháp thúc đẩy tiến độ dự án nguồn điện, một số chuyên gia ngành điện cũng nhấn mạnh yêu cầu là không giao dự án/gói thầu cho nhà đầu tư, tổng thầu không có năng lực. Trường hợp không đáp ứng thì kiên quyết thu hồi dự án, thay thế nhà thầu có năng lực tốt để thực hiện./.