Lượng nước về các hồ chứa thủy điện, nhất là ở phía Bắc, thấp hơn mức bình quân của nhiều năm. Ảnh: Lê Tiên |
Trong khi đó, các hồ thủy điện lại phải cung cấp nước phục vụ cho đổ ải, gieo cấy vụ Đông Xuân 2020. Để đảm bảo cung cấp điện, Bộ Công Thương đang tính toán nguồn điện khác bù đắp khoảng thiếu hụt này.
Hạn hán, các nhà máy thủy điện gặp khó
Tuần trước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phát đi thông cáo về tình hình cung cấp nước phục vụ đổ ải, gieo cấy vụ Đông Xuân 2020 tại khu vực trung du và đồng bằng Bắc Bộ có rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do tình trạng khô hạn đang diễn ra căng thẳng, lượng nước về các hồ chứa thủy điện thấp hơn mức bình quân của nhiều năm. Theo EVN, lượng nước thiếu hụt ở các hồ trên lưu vực sông Hồng hiện nay là khoảng 7,3 tỷ m3. Trong đó, 3 hồ chứa trực tiếp tham gia xả nước cho vụ Đông Xuân 2020 thiếu hụt 3,7 tỷ m3.
Làm rõ thêm tình hình này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực thuộc Bộ Công Thương cho hay, theo tính toán, tại hồ Hòa Bình, mực nước hiện thấp hơn bình thường là 15m, Sơn La là 13m, Thác Bà hơn 10m… Bên cạnh nhiệm vụ cấp nước cho phát điện, hồ thủy điện Hòa Bình còn phải cấp nước cho Nhà máy Nước sông Đà để cung cấp nước sạch cho TP. Hà Nội. “Với mức nước tại các hồ chứa hiện nay, lượng nước để cung cấp phục vụ đổ ải cùng với duy trì phát điện của các nhà máy thủy điện nói chung, nhất là các nhà máy thủy điện phía Bắc, đang đứng trước khó khăn. Dự kiến, với tình hình hiện nay, tổng nguồn thủy điện thiếu hụt so với mức bình thường là 4,4 tỷ kWh”, ông Tuấn cho biết.
Theo Bộ Công Thương, mặc dù gần đây có hai cơn bão số 5 và số 6 gây mưa diện rộng nhưng chỉ ảnh hưởng chủ yếu đến các hồ khu vực Nam Trung Bộ; còn lại mức nước nhiều hồ thủy điện đang thấp hơn so với cùng kỳ 2018 khoảng từ 8 đến 16m. Tổng dung tích hữu ích hiện có ở các hồ chứa thủy điện thiếu hụt so với mực nước dâng bình thường khoảng gần 11 tỷ m3.
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, 11 tháng, tổng sản lượng điện sản xuất ước đạt 209.465,9 triệu kWh, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2018; tổng lượng điện thương phẩm ước đạt 193.202,7 triệu kWh, tăng 9,6%. Trong 11 tháng, hệ thống điện huy động tới gần 40% nguồn công suất của thủy điện.
Nhiều giải pháp đảm bảo cung cấp điện
“Chúng tôi đã bàn với các đơn vị: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), EVN… có giải pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả nhất”, ông Tuấn cho biết.
Cụ thể, trong các đợt đổ ải, các trạm bơm phải tận dụng nước đưa về hạ du phục vụ tưới tiêu; nâng công suất các trạm bơm; tiến hành kiểm tra các cống, đường mương dẫn nước để tận dụng hiệu quả nhất. Cùng với đó, Bộ Công Thương đề nghị Bộ NN&PTNT có giải pháp giảm số ngày đổ ải vụ Đông Xuân 2020 (lịch lấy nước tại các tỉnh, thành phố trung du và đồng bằng Bắc Bộ gồm 3 đợt, tổng cộng 18 ngày); các tỉnh có các giải pháp xem xét lắp đặt các trạm bơm dã chiến, lên phương án tưới tiêu phù hợp, hiệu quả.
Đối với ngành điện, các đơn vị tuân thủ quy trình điều tiết liên hồ chứa, phối hợp các đơn vị để đề xuất các sở NN&PTNT, công ty thủy nông ở địa phương có phương án phù hợp với tình hình vận hành từng nhà máy. Trường hợp cần thiết báo cáo lên Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường để có những giải pháp ứng phó trong trường hợp đặc biệt. “Phương thức vận hành của ngành điện cũng cần linh hoạt, nhất là trong tình huống xấu phải có các giải pháp huy động các nguồn khác thay thế nguồn thủy điện”.
Dự báo về tình hình tiêu thụ điện, cơ quan điều tiết điện lực nhận định, nhu cầu tiêu thụ điện thời gian tới vẫn rất lớn. Nhiều khả năng nước cung cấp cho các nhà máy thủy điện vẫn khó khăn, trong khi còn có những hạn chế trong việc cung cấp các nguồn nhiên liệu đầu vào như than, khí… cho sản xuất điện. “Để đảm bảo cung cấp điện, một mặt, Cục Điều tiết điện lực huy động hợp lý mọi nguồn điện. Mặt khác, triển khai và đảm bảo đúng tiến độ các công trình giải quyết tình trạng nghẽn mạch truyền tải; chỉ đạo các đơn vị cung cấp nguyên liệu cho nhiệt điện và bắt đầu xem xét phương án nhập khẩu than; sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Liên quan đến giải quyết bất cập nhiều dự án điện năng lượng tái tạo thời gian qua không thể giải tỏa công suất do thiếu lưới điện truyền tải, trao đổi với Báo Đấu thầu chiều 16/12/2019, ông Phạm Xuân Hường, Trưởng ban Truyền thông thuộc Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia cho biết, bất cập này đã được giải quyết. “Hiện không có bất kỳ dự án năng lượng tái tạo nào bị hạn chế công suất do tình trạng quá tải hoặc tắc nghẽn trên lưới điện 220 kV và 500 kV do Tổng công ty quản lý”, ông Hường khẳng định.