Tiếp tục giảm chi phí, tạo thuận lợi cho DN hoạt động

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh gửi Bộ Tư pháp mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp (DN). Những đề xuất được đánh giá góp phần giảm cho phí và tháo gỡ khó khăn trong quản trị của DN.
 Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Tại Dự thảo Luật, Bộ KH&ĐT đề xuất doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không phải thực hiện kiểm toán đối với báo cáo tài chính giữa năm như quy định hiện hành. Bộ KH&ĐT cho biết, Điểm d Khoản 1 Điều 109 Luật DN quy định, DNNN phải công bố định kỳ trên trang thông tin điện tử của công ty và của cơ quan đại diện chủ sở hữu báo cáo và tóm tắt báo cáo tài chính giữa năm được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập; thời hạn công bố trước ngày 31/7. Tuy nhiên, theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN, Luật Kế toán và Luật Kiểm toán độc lập, các DNNN phải kiểm toán bắt buộc đối với báo cáo tài chính hàng năm; không quy định phải thực hiện kiểm toán đối với báo cáo tài chính giữa năm.

Trên thực tế các DNNN quy mô nhỏ không thực hiện mà chỉ có một số công ty mẹ tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuê tổ chức kiểm toán độc lập để kiểm toán báo cáo tài chính giữa năm. Do đó, việc yêu cầu DN công bố thông tin định kỳ với báo cáo tài chính giữa năm đã được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập là tạo thêm gánh nặng chi phí cho DN. Tính toán của Bộ KH&ĐT cho thấy, với khoảng 1.000 DNNN phải thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin, việc yêu cầu thực hiện kiểm toán cả báo cáo tài chính giữa kỳ sẽ phát sinh nhiều tỷ đồng chi phí, có thể gián tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Về việc tham dự và biểu quyết của đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) tại Dự thảo Luật, Bộ KH&ĐT đề xuất sửa đổi Khoản 1 và Khoản 2 Điều 148 Luật DN. Cụ thể, theo quy định tại Điều 148 Luật DN thì điều kiện để nghị quyết phiên họp ĐHĐCĐ được thông qua dựa trên tỷ lệ số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành. Tuy nhiên, việc xác định cổ đông dự họp chưa được quy định rõ. Trên thực tế xảy ra trường hợp cổ đông tham dự họp ĐHĐCĐ nhưng bỏ về giữa chừng hoặc không bỏ phiếu, không biểu quyết. Điều này dẫn đến vướng mắc trong việc xác định số cổ đông dự họp để tính tỷ lệ số phiếu biểu quyết.

Theo đó, Dự thảo Luật đề xuất bổ sung thêm từ “tham dự và biểu quyết” vào Khoản 1 và Khoản 2. Cụ thể, Khoản 1 sửa thành: “Nghị quyết về nội dung sau đây được thông qua nếu được số cổ đông đại diện từ 65% tổng số phiếu biểu quyết trở lên của tất cả các cổ đông tham dự và biểu quyết tại cuộc họp tán thành…”. Tương tự, với Khoản 2 là: “Các nghị quyết được thông qua khi được số cổ đông sở hữu trên 50% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả các cổ đông tham dự và biểu quyết tại cuộc họp tán thành…”.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng đề xuất tháo gỡ khó khăn cho DN liên quan đến việc ký tên trong biên bản HĐTV/HĐQT. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 60 và Khoản 2 Điều 158 Luật DN thì trường hợp chủ tọa, người ghi biên bản từ chối ký biên bản họp, nhưng nếu tất cả thành viên khác của HĐTV/HĐQT dự họp ký thì biên bản này có hiệu lực. Điểm e Khoản 2 Điều 60 Luật DN quy định, biên bản họp HĐTV/HĐQT phải bao gồm: họ tên, chữ ký và nội dung ý kiến của người dự họp không đồng ý thông qua biên bản họp (nếu có).

Tuy nhiên, trên thực tế, thành viên không đồng ý thông qua biên bản họp thường không hợp tác, không chịu ký tên vào biên bản họp dẫn đến biên bản không đủ nội dung chủ yếu theo quy định của Luật và không có hiệu lực. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thẩm quyền quyết định của HĐTV/HĐQT trong điều hành, quản trị DN.

Theo đó, Bộ KH&ĐT đề xuất sửa đổi điểm e Khoản 2 Điều 60 và sửa Khoản 3 Điều 60 Luật DN theo hướng tạo thuận lợi cho DN với “trường hợp chủ tọa, người ghi biên bản từ chối ký biên bản họp thì biên bản này có hiệu lực nếu được tất cả các thành viên khác của HĐTV/HĐQT tham dự họp đồng ý thông qua biên bản họp ký và có đầy đủ nội dung theo quy định…”.

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu cho rằng, đây là đề xuất kịp thời nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế và hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. “Đây là thời gian thích hợp để thực hiện cải cách thể chế, nếu làm tốt sẽ tạo dư địa cho phục hồi và phát triển kinh tế sau này”, ông Hiếu nhìn nhận.

Tin cùng chuyên mục