Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu trước diễn đàn Quốc hội chiều ngày 29/7. Ảnh: Nhật Bắc
Mục tiêu 1 triệu DN đến năm 2020
Về vấn đề tháo gỡ khó khăn cho DN, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong thời gian qua, bằng việc ban hành và thực thi Luật DN, Luật Đầu tư và các luật khác có liên quan thì quyền tự do kinh doanh của DN đã được mở rộng. Mức độ an toàn trong hoạt động kinh doanh đã được nâng cao. Đã loại bỏ và giảm đáng kể các rào cản kinh doanh, rủi ro và chi phí cho các DN. Mức độ thuận lợi cho hoạt động kinh doanh đã được cải thiện rõ nét và mục tiêu của Chính phủ là phấn đấu đến cuối năm 2016 môi trường đầu tư kinh doanh sẽ đạt ở mức trung bình của ASEAN 6. Đến năm 2020, trong nền kinh tế sẽ có khoảng 1 triệu DN hoạt động có hiệu quả.
Bộ trưởng khẳng định, tiếp tục duy trì và phát huy các kết quả đạt được trong thời gian qua, ngay từ những tháng đầu nhận nhiệm vụ, Chính phủ đã tập trung nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho DN. Coi cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ DN là động lực chủ yếu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo phát triển nhanh, bền vững. Đặc biệt, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc thay đổi quan điểm chuyển từ quản lý sang phục vụ, từ tiền kiểm sang hậu kiểm. “Đây là một thay đổi lớn và chắc chắn trong thời gian tới sẽ có cải thiện đáng kể cho môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ngoài việc tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô Chính phủ cũng đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp để giảm các chi phí cho DN. Theo đó, đang xem xét các khả năng để giảm lãi suất cho vay; rà soát, kiểm soát và giảm ít nhất 20% phí giao thông đường bộ; thực hiện cho vay ngoại tệ đối với các DN sản xuất hàng xuất khẩu và các DN xuất khẩu. Chỉ đạo các cơ quan liên quan không hình sự hóa các quan hệ kinh tế và dân sự…
Sắp tới đây, ngoài việc thực hiện các giải pháp nói trên, Chính phủ và các bộ, ngành sẽ tiếp tục rà soát và cải cách các quy định về điều kiện kinh doanh, theo đó rà soát các rào cản không còn phù hợp của các luật, các điều khoản ở các luật làm cản trở việc đầu tư kinh doanh, trình Quốc hội một luật sửa các luật, các điều của các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh để tương thích với tình hình mới, cũng như cam kết hội nhập và tạo thêm sự thuận lợi cho phát triển DN.
Nâng cao hiệu quả đầu tư công
Khẳng định kết quả đạt được, Bộ trưởng cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại (đây là những hạn chế, tồn tại của nhiều năm trước đây cho đến bây giờ) trong đầu tư công. Một là, việc triển khai thực hiện và chấp hành các quy định pháp luật của một số cơ quan, đơn vị còn chưa nghiêm, chưa chấp hành đầy đủ các quy đinh về bố trí vốn; việc theo dõi, đánh giá, kiểm tra kế hoạch, chương trình, dự án thực hiện chưa tốt. Chất lượng chuẩn bị dự án cũng chưa tốt; việc kiểm soát quy mô của dự án, định mức, đơn giá còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ, dẫn đến tổng mức đầu tư cao hơn so với thực tế và làm thất thoát, lãng phí, khó khăn cho việc bố trí vốn. Chất lượng công tác quy hoạch, quản lý dự án đầu tư còn bất cập. Một số dự án đầu tư, nhất là dự án sử dụng vốn vay hiệu quả chưa cao, không trả được nợ, phải tái cơ cấu tài chính hoặc chuyển sang cơ chế Nhà nước đầu tư vốn; chưa khắc phục được tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, ứng trước vốn kế hoạch nhưng không cân đối được các nguồn thanh toán…
Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý đầu tư công, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, tất cả các vướng mắc, tồn tại cũng như các giải pháp đã được cụ thể hóa trong Luật Đầu tư công, vấn đề cốt lõi và quan trọng nhất là khâu tổ chức thực hiện. Chính phủ cùng với các bộ, ngành, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đầu tư công cũng như quy định nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật.