Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp rất nhiều khó khăn, trong đó, khó nhất là khả năng bán hàng suy yếu do nhu cầu giảm. Ảnh: Lê Tiên |
Theo số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 3 tháng đầu năm 2024 có 73.978 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, 53.365 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2023; 15.530 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2023; 5.083 doanh nghiệp giải thể, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do doanh nghiệp hoạt động kinh doanh không hiệu quả, chưa tìm thấy cơ hội ở lĩnh vực đang hoạt động, gặp khó khăn trong tìm kiếm khách hàng; tìm phương án kinh doanh mới; cơ cấu lại tổ chức và quản lý, xây dựng lại định hướng hoạt động kinh doanh; tạm ngừng để mở rộng quy mô hoạt động hoặc chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất và nhân sự phục vụ cho việc định hướng phát triển kinh doanh trong giai đoạn tới; gặp khó khăn về tài chính, thiếu vốn và thiếu kinh phí đầu tư…
Từ góc độ khác, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam giảm về dưới ngưỡng 50 điểm trong tháng 3 (49,9 điểm) sau khi đạt 50,4 điểm trong tháng 2. Trong đó, sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều giảm; tình trạng nhu cầu giảm đã khiến chi phí đầu vào tăng chậm hơn và giá bán hàng giảm.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) nhận định, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp rất nhiều khó khăn, trong đó, ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động của doanh nghiệp là khả năng bán hàng suy yếu do nhu cầu giảm.
Bên cạnh đó, theo ông Nam, việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp cũng không hề dễ dàng. Đồng thời, các rào cản về thủ tục hành chính tuy đã được cải thiện đáng kể song vẫn còn trở ngại, làm gia tăng chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Trong đó, điểm đáng chú ý là vẫn còn sự thiếu nhất quán giữa chủ trương của Chính phủ và văn bản hướng dẫn thực thi. “Dường như một số cơ quan chức năng xây dựng văn bản hướng dẫn theo cách “những gì mình biết hơn là những gì mình tìm hiểu”, dẫn đến tình trạng chủ trương đúng đắn nhưng thực thi xa rời. Không loại trừ trường hợp còn tình trạng bị ảnh hưởng bởi lợi ích nhóm, ngành nên nhiều văn bản hướng dẫn chưa thực sự tạo điều kiện cho doanh nghiệp”, ông Nam chia sẻ.
Cần tiếp tục kéo dài chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% để hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng. Ảnh: Tiên Giang |
Do đó, Phó Chủ tịch VINASME kiến nghị: “Cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo không gian mới và rộng mở cho doanh nghiệp hoạt động, khuyến khích thu hút vốn đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực kinh tế. Đây cũng là chủ trương của Đảng và Chính phủ từ lâu song vẫn chưa được triển khai hiệu quả trong thời gian qua. Không gian phát triển cần bắt đầu từ việc tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, các bộ ngành, địa phương cần nhất quán trong việc thực thi quy định pháp lý. Bên cạnh đó, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được ban hành với nhiều nội dung theo định hướng tạo không gian phát triển tích cực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa song nhiều văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành vẫn chưa thể chế hóa tốt chủ trương này”.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành và thực thi nhiều giải pháp toàn diện, hỗ trợ doanh nghiệp từ các góc độ, bao gồm: chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, hỗ trợ mở rộng thị trường, nâng cao nội lực doanh nghiệp. Tuy nhiên, điểm nghẽn hiện nay là việc thực thi các chính sách chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.
Theo ông Thành, trong thời gian tới, cần tiếp tục các giải pháp chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, về chính sách tiền tệ, giải pháp giảm lãi suất còn rất ít dư địa song vẫn nên tiếp tục thực hiện bởi doanh nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn dựa chủ yếu vào vốn ngân hàng. Về chính sách tài khóa, cần tiếp tục giảm thuế, phí cho doanh nghiệp, chẳng hạn, tiếp tục kéo dài chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2%, đồng thời, nghiên cứu thêm các giải pháp giảm thuế, phí để hỗ trợ nhiều hơn. Bên cạnh đó, tính toán thêm các gói tài khóa hỗ trợ thị trường bất động sản thay vì thực hiện gói 120 nghìn tỷ đồng từ tiền của ngân hàng thương mại và lãi suất chưa thực sự ưu đãi. Chẳng hạn, triển khai ngay việc Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án phát hành trái phiếu, hỗ trợ lãi suất cho đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội. Một số địa phương đã có thế áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù theo nghị quyết của Quốc hội, cần phát huy cơ chế này để khởi động các dự án bị tạm hoãn trong thời gian vừa qua, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.