Nếu việc xây dựng và phê duyệt giá gói thầu chính xác thì giá trị tiết kiệm trong đấu thầu mới có cơ sở. Ảnh: Lê Tiên |
Theo cách tính hiện nay thì số tiền được coi là tiết kiệm qua đấu thầu chính là con số chênh lệch giữa giá gói thầu được phê duyệt và giá trúng thầu của nhà thầu thực hiện gói thầu (thông thường giá trúng thầu phải thấp hơn giá gói thầu).
Quá trình theo dõi của phóng viên, bám sát các kết quả lựa chọn nhà thầu đăng tải trên Báo Đấu thầu đã cho thấy, có những trường hợp do việc xây dựng và phê duyệt giá gói thầu không chính xác nên con số tiết kiệm được trong đấu thầu theo cách tính như trên là con số ảo.
Điển hình là tại kết quả lựa chọn nhà thầu cho một gói thầu mua sắm thiết bị, giá trúng thầu chỉ bằng 23% giá gói thầu được duyệt. Nếu theo cách tính thông thường thì con số tiết kiệm sẽ là 77%. Tuy nhiên, qua trao đổi thông tin với phóng viên Báo Đấu thầu, đại diện Bên mời thầu cho biết, quá trình khảo sát và xây dựng giá gói thầu, bên mời thầu dựa vào các báo giá của các nhà cung cấp thiết bị (chủ yếu là thiết bị của Nhật Bản, Italia) nhưng sau quá trình lựa chọn nhà thầu thì lại chọn thiết bị tương đương của Trung Quốc nên giá thành rẻ hơn nhiều. Đại diện Bên mời thầu này cũng thừa nhận, việc chênh lệch lớn giữa giá gói thầu và giá trúng thầu là do quá trình xây dựng giá gói thầu chưa sâu sát và không chính xác. Bên mời thầu sẽ rút kinh nghiệm cho việc xây dựng giá gói thầu những lần đấu thầu sau, chứ thực chất đây không phải là số tiền tiết kiệm được qua đấu thầu.
TS. Nguyễn Việt Hùng – chuyên gia về đấu thầu cho biết, cần đi vào thực chất của việc tiết kiệm trong đấu thầu. Về mặt lý thuyết, con số tiết kiệm trong đấu thầu, nghĩa là tiết kiệm cho ngân sách nhà nước thông qua đấu thầu là rất tuyệt vời. Tuy nhiên, khi đấu thầu, xem xét con số tiết kiệm trong đấu thầu, cần phải chú trọng vào những yếu tố cốt lõi và bản chất của vấn đề. Nếu việc xây dựng và phê duyệt giá gói thầu chính xác thì cách tính con số tiết kiệm trong đấu thầu mới có cơ sở.
Hiện nay, việc xây dựng giá gói thầu đều do chủ đầu tư làm và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt (giá gói thầu được phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu). Chủ đầu tư cũng là người phê duyệt dự toán gói thầu. Nếu chạy theo căn bệnh thành tích, các chủ đầu tư hoàn toàn có thể xây dựng “vống” giá gói thầu lên cao thì độ chênh lệch giữa giá trúng thầu và giá gói thầu sẽ lớn, như vậy theo cách tính thông thường về con số tiết kiệm trong đấu thầu thì chủ đầu tư sẽ có “thành tích” lớn. Từ những lập luận trên có thể thấy rằng, việc một số bộ, ngành, địa phương đặt mục tiêu cụ thể về con số tiết kiệm trong đấu thầu, thậm chí là đề ra số tiền phải tiết kiệm được qua chỉ định thầu sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu “đây là động cơ của căn bệnh thành tích” và hoàn toàn có thể “hợp thức hóa được”.
Ông Lê Đức Thọ, Trưởng phòng kinh doanh thị trường, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 cho rằng, nếu giá gói thầu được xây dựng chính xác, tính đúng, tính đủ nguyên vật liệu đầu vào thì tỷ lệ tiết kiệm thông thường qua đấu thầu vào khoảng 3 - 5% là hợp lý và nhà thầu có thể chấp nhận được. Nếu giá gói thầu chặt chẽ, chính xác mà đặt chỉ tiêu con số tiết kiệm của gói thầu xây lắp lên tới 10 - 20% thì nhà thầu sẽ không làm nổi, và chắc chắn quá trình thi công sẽ không đảm bảo chất lượng công trình. Vì một lý do nào đấy mà nhà thầu “buộc phải giao chỉ tiêu tiết kiệm” quá lớn, chắc chắn nhà thầu phải cắt giảm nhiều chi phí, quyền lợi của người lao động, các biện pháp vệ sinh môi trường, an toàn lao động, chất lượng công trình… sẽ không đảm bảo được. Vấn đề không phải là tiết kiệm trên giấy tờ con số được bao nhiêu mà thông qua đấu thầu cần phải chọn được nhà thầu có đủ năng lực, thi công công trình đảm bảo chất lượng và tiến độ. Một khi nhà thầu thi công “chuẩn chỉ” thì chi phí thực cũng không thể thấp hơn nhiều giá trị thực của gói thầu.