Tiêu thụ thép nửa cuối năm sẽ khả quan hơn?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đến nay, ngành thép Việt Nam không những đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế mà còn xuất khẩu đến trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, theo ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel), tăng trưởng dài hạn vẫn khó khăn, áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Dự báo sản xuất thép thành phẩm giai đoạn 2024 - 2025 sẽ đạt khoảng 29 - 30 triệu tấn, nhu cầu tiêu thụ thép trong nước ước đạt khoảng 21,5 - 22,5 triệu tấn. Ảnh: Nhã Chi
Dự báo sản xuất thép thành phẩm giai đoạn 2024 - 2025 sẽ đạt khoảng 29 - 30 triệu tấn, nhu cầu tiêu thụ thép trong nước ước đạt khoảng 21,5 - 22,5 triệu tấn. Ảnh: Nhã Chi

Tín hiệu thị trường khả quan hơn

Ông Nghiêm Xuân Đa cho biết, 5 tháng đầu năm 2024, sản xuất và bán hàng thép thành phẩm các loại ghi nhận mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023 lần lượt là 7,9% và 14,4%, với mức sản lượng lần lượt đạt 11,963 triệu tấn thép sản xuất và bán hàng thép là 11,911 triệu tấn.

Cập nhật thông tin về tình hình tiêu thụ thép, VNSteel cho hay, tổng tiêu thụ thép thành phẩm toàn hệ thống VNSteel tháng 5 tăng 59% so với cùng kỳ 2023. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, tổng tiêu thụ thép thành phẩm đạt hơn 1,4 triệu tấn, tăng 31% so với cùng kỳ 2023, trong đó đóng góp rất lớn từ các đơn vị thép dẹt, nhất là thép cán nguội tăng 85% và tôn mạ tăng 105%. Tuy nhiên, sức tiêu thụ thép của toàn thị trường trong tháng 5 đã chậm lại so với tháng trước.

Đến thời điểm này, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát chưa công bố thông tin về tình hình tiêu thụ tháng 5, nhưng trong tháng 4/2024, bán hàng các sản phẩm phôi thép, thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC) của Hòa Phát đạt 805.000 tấn, tăng 16% so với tháng 3/2024, trong đó, riêng thép xây dựng, thép chất lượng cao đạt 471.000 tấn, tăng 24%.

Ông Bùi Văn Tiệp, Giám đốc Nhà máy Cán thép HRC, Thép Hòa Phát Dung Quất cho biết, ngày 6/6, Hòa Phát chính thức cán mốc 10 triệu tấn thép HRC. Năm 2023, sản phẩm này đã được cấp chứng nhận CE Marking - được coi là “giấy thông hành” khi xuất sang châu Âu.

Nhiều doanh nghiệp khác trong lĩnh vực này như Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen, Công ty CP Thép Nam Kim; Công ty CP Tôn Đông Á… cũng ghi nhận sản lượng thép bán hàng có sự cải thiện đáng kể từ đầu năm đến nay.

Nhận định về triển vọng tiêu thụ thép, ông Đa cho rằng, có nhiều điểm sáng tích cực tạo động lực cho ngành thép và các ngành tiêu thụ thép tăng trưởng trong giai đoạn 2024 - 2025. “Sản xuất thép sẽ tăng khoảng 7 - 8% giai đoạn 2024 - 2025 khi nhu cầu sử dụng của các ngành kinh tế trong nước hồi phục trở lại. Dự báo sản xuất thép thành phẩm giai đoạn 2024 - 2025 sẽ đạt khoảng 29 - 30 triệu tấn, nhu cầu tiêu thụ thép trong nước ước đạt khoảng 21,5 - 22,5 triệu tấn”, ông Đa nói.

Áp lực cạnh tranh gay gắt hơn

Mặc dù nhận định thị trường thép thời gian tới sẽ sáng hơn, song Chủ tịch VSA cũng cho biết, trong dài hạn ngành thép vẫn khó khăn. Nguyên nhận là nguồn cung thép thế giới vẫn dư thừa, thị trường bất động sản chưa sôi động trở lại. Bên cạnh đó, chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh của các quốc gia cũng sẽ ảnh hưởng đến việc xuất khẩu thép.

Chưa hết, lãnh đạo VSA lo ngại, nhiều sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam đã có hành vi cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất thép trong nước.

Đại diện một doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thép cho rằng, do dư thừa nguồn cung, một số nước sẽ đẩy mạnh xuất khẩu thép vào thị trường Việt Nam, cạnh tranh với thép trong nước.

Trước hiện tượng gia tăng đột biến của thép nhập khẩu, ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất thép trong nước, ông Đa cho biết, VSA nhất quán quan điểm ủng hộ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp thành viên, bảo vệ ngành sản xuất trong nước và xây dựng ngành thép Việt Nam phát triển đồng bộ, khép kín từ thượng nguồn đến hạ nguồn, theo định hướng tăng trưởng xanh.

Theo ông Nghiêm Xuân Đa, VSA đã đề nghị cơ quan nhà nước tăng cường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại và biện pháp kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước. Đồng thời, xây dựng cơ chế đặc thù về đầu tư xây dựng và hỗ trợ tài chính để doanh nghiệp thép nhanh chóng ứng dụng công nghệ tiên tiến, bắt kịp lộ trình giảm thiểu carbon của thế giới, nâng cao sức cạnh tranh mặt hàng này.

Gợi ý thêm về giải pháp “gỡ khó” cho ngành thép, ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam đề nghị, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế, thúc đẩy thị trường bất động sản hồi phục, đẩy mạnh xây dựng các hạng mục kết cấu hạ tầng như cầu cạn, nhà ở, nhà xưởng… góp phần thúc đẩy tiêu thụ vật liệu xây dựng, trong đó có thép.

Tin cùng chuyên mục