Tìm cách hỗ trợ DN chịu thuế tối thiểu toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều doanh nghiệp đang thực hiện các thủ tục để nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) bổ sung theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực từ năm tài chính 2024. Trong khi đó, Dự thảo Luật Thuế TNDN (sửa đổi) đang được thảo luận tại Quốc hội. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, nên xem xét đưa quy định về mức thuế tối thiểu toàn cầu vào Luật Thuế TNDN (sửa đổi), đồng thời, nhanh chóng ban hành các chính sách hỗ trợ đầu tư dễ thực hiện và hiệu quả cho các DN chịu thuế.
Hơn 1.000 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam thuộc đối tượng của thuế tối thiểu toàn cầu. Ảnh: Lê Tiên
Hơn 1.000 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam thuộc đối tượng của thuế tối thiểu toàn cầu. Ảnh: Lê Tiên

Nghị quyết 107/2023/QH15 quy định việc áp dụng thuế TNDN bổ sung với người nộp thuế theo quy định về chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Người nộp thuế là đơn vị hợp thành của tập đoàn đa quốc gia có doanh thu trong báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ tối cao ít nhất 2 năm trong 4 năm liền kề trước năm tài chính tương đương 750 triệu Euro trở lên. Thuế suất tối thiểu là 15%. Tỷ lệ thuế bổ sung là phần chênh giữa thuế suất tối thiểu so với thuế suất thực tế. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 và áp dụng từ năm tài chính 2024. Bộ Tài chính đang xây dựng Dự thảo Nghị định hướng dẫn việc thực hiện nghị quyết này…

Tại Dự thảo Luật Thuế TNDN (sửa đổi) đang được trình và thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, mức thuế suất thuế TNDN phổ thông là 20%, trong khi đó, nhiều nhóm ngành nghề được hưởng ưu đãi thuế TNDN ở mức 10% trong 15 năm với TNDN từ thực hiện dự án đầu tư mới trong nhiều ngành, trong đó, có sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm; sản xuất sản phẩm an toàn thông tin mạng và cung cấp dịch vụ an toàn thông tin mạng bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng; sản xuất sản phẩm công nghệ số; sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất sản phẩm các ngành dệt - may, da - giầy, điện tử - tin học (bao gồm cả thiết kế, sản xuất bán dẫn)…

Theo ước tính của Tổng cục Thuế, có hơn 1.000 DN FDI tại Việt Nam thuộc đối tượng của thuế tối thiểu toàn cầu, trong đó, có khoảng 90 DN có khả năng chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu nếu áp dụng từ năm 2024. Nếu các quốc gia khác đều áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, các quốc gia có công ty mẹ sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng 12.000 - 20.000 tỷ đồng.

Trình bày trước Quốc hội về báo cáo thẩm tra Dự án Luật Thuế TNDN (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Dự thảo Luật bổ sung các chính sách ưu đãi thuế đặc biệt để thu hút nhà đầu tư mới, nhà đầu tư lớn, chiến lược. Tuy nhiên, với hiệu lực của Nghị quyết số 107/2023/QH15 về thuế TNDN bổ sung (thuế tối thiểu toàn cầu) thì đồng thời với việc được hưởng các ưu đãi miễn giảm thuế đặc biệt, các nhà đầu tư lớn (có doanh thu toàn cầu trên 750 triệu Euro/năm) vẫn phải nộp thuế TNDN bổ sung ở mức 15%.

Nhiều ý kiến đề xuất quy định mức thuế suất 15% áp dụng cho các doanh nghiệp thuộc diện phải chịu thuế tối thiểu toàn cầu để giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Ảnh: Nhã Chi
Nhiều ý kiến đề xuất quy định mức thuế suất 15% áp dụng cho các doanh nghiệp thuộc diện phải chịu thuế tối thiểu toàn cầu để giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Ảnh: Nhã Chi

“Với thực tế này, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ hơn về hiệu quả của chính sách ưu đãi thuế đặc biệt áp dụng cho các nhà đầu tư lớn, khi vừa thực hiện ưu đãi đặc biệt vừa thu lại thuế bổ sung. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc quy định mức thuế suất 15% áp dụng cho các DN thuộc diện phải chịu thuế tối thiểu toàn cầu để không tạo ra chi phí quản lý và các thủ tục hành chính không cần thiết cho cả cơ quan quản lý nhà nước và DN, đồng thời nghiên cứu, xây dựng các chính sách thu hút đầu tư khác phù hợp và hiệu quả hơn”, ông Mạnh nói.

Thảo luận tại tổ về nội dung này, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, Nghị quyết 107 được biểu quyết thông qua năm cuối năm 2023 với đề nghị cần nghiên cứu chính sách để hỗ trợ cho các DN phải nộp bổ sung theo quy định thuế tối thiểu toàn cầu. “Theo tôi, phần hỗ trợ nên tương ứng với khoản phải nộp bù và có cơ chế để hình thành quỹ ưu đãi DN từ khoản này. Quỹ này có thể được dùng cho mục đích hỗ trợ đầu tư, chẳng hạn hỗ trợ chi phí vận chuyển, chi phí đầu tư mới, đầu tư mở rộng đối với những DN chuyển đổi/vận chuyển cơ sở sản xuất từ nước ngoài về. Chính sách này đã được TP. Đà Nẵng nghiên cứu áp dụng để thu hút các DN trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn”, ông Cường nhấn mạnh.

Trao đổi với Báo Đấu thầu về đề xuất của Ủy ban Tài chính - Ngân sách về đưa quy định thuế suất 15% với các DN thuộc diện chịu thuế tối thiểu toàn cầu vào Luật Thuế TNDN (sửa đổi), PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính cho rằng, Luật thuế TNDN là quy định mang tính chất lâu dài, ổn định trong khi đó, quy định về các DN chịu thuế tối thiểu toàn cầu có thể thay đổi. Vì vậy, không nên đưa mức thuế với nhóm DN này vào Luật thuế TNDN (sửa đổi) mà cần áp dụng song song cả Luật thuế TNDN và Nghị quyết 107. Về các chính sách “bù” ưu đãi cho DN thuộc diện chịu thuế tối thiểu toàn cầu, ông Thịnh cho rằng, cần nghiên cứu kỹ cách thức thực hiện để tránh vi phạm các cam kết quốc tế.

Theo ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI), các quy định tại Luật thuế TNDN cần có tính ổn định. Tuy nhiên, Dự thảo Luật thuế TNDN (sửa đổi) đưa ra các mức thuế cụ thể như 10%, 15%, 17%, 20% áp dụng cho từng nhóm DN. Do đó, vẫn có thể đưa quy định “DN chịu thuế tối thiểu toàn cầu” vào nhóm chịu thuế 15% để giảm thủ tục hành chính cho DN.

Về các giải pháp hỗ trợ DN chịu thuế tối thiểu toàn cầu, theo ông Minh, cần nghiên cứu thấu đáo để có các chính sách đơn giản, dễ thực thi, tránh tình trạng DN chờ đợi và phải làm nhiều thủ tục hành chính mới được hưởng phần bù thì lợi ích thực tế của ưu đãi bị giảm sút.

Tin cùng chuyên mục