Tìm giải pháp tăng tốc xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 2/2023 được Bộ Công Thương tổ chức chiều ngày 28/2, tại Hà Nội tập trung vào việc tiếp tục tìm kiếm các giải pháp tăng tốc xuất khẩu (XK) hàng hóa, trong đó có ngành hàng nông sản, thực phẩm và thực phẩm chế biến vào một số thị trường mục tiêu.
Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 2/2023 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên
Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 2/2023 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) thuộc Bộ Công Thương, số liệu về tình hình kinh tế tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2023 vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, Việt Nam vẫn ghi nhận xuất siêu, song tình hình ngoại thương 2 tháng qua và những tháng tới có rất nhiều thách thức. Do đó, việc tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy XK hàng hóa, trong đó có hàng hóa thuộc ngành nông sản, thực phẩm và chế biến thực phẩm là rất quan trọng.

Thông tin đưa ra tại Hội nghị cho thấy, với lợi thế phát triển nông nghiệp, nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam đã có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhiều ngành trong lĩnh vực này đã đóng góp hơn 1 tỷ USD vào kim ngạch XK hàng năm; đặc biệt, một số ngành hàng như thủy sản đã đóng góp hơn 10 tỷ USD vào tổng kim ngạch XK của Việt Nam năm 2022.

Nhìn về dư địa, tiềm năng phát triển XK đối với hàng nông sản, thực phẩm và chế biến thực phẩm, Cục XTTM cho rằng, Việt Nam có lợi thế về nguồn nguyên liệu dồi dào nên có nhiều cơ hội để thúc đẩy XK các mặt hàng lĩnh vực này.

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương

Tuy vậy, Cục XTTM cũng chỉ ra, phần lớn các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam vẫn chủ yếu là XK sản phẩm thô và qua đường tiểu ngạch. Trong khi đó, sức ép cạnh tranh đối với các mặt hàng này ngày càng gay gắt với các nước trong khu vực ASEAN, châu Á hay của chính khách hàng lớn của Việt Nam. Các thị trường nhập khẩu và tiêu thụ hàng đầu của Việt Nam như: Hoa Kỳ, EU… ngày càng gia tăng yêu cầu về tính bền vững đối với sản phẩm, bao gồm các khía cạnh về xã hội, môi trường và kinh tế trong toàn bộ chuỗi cung ứng… Cục XTTM cho rằng, đây là thách thức, song các doanh nghiệp cũng nên nhìn nhận thách thức này như là một cơ hội để doanh nghiệp trong ngành nắm bắt và tìm giải pháp hóa giải.

Thông tin thêm về tình hình XK của một số mặt hàng nông sản của Việt Nam, ông Đặng Việt Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ cho biết, thời gian qua, hoạt động XK hai ngành hàng có lợi thế của Tỉnh là chè và gỗ rất khó khăn.

Theo ông Phương, thị trường XK chính các mặt hàng chè của Tỉnh là Nga, Đông Âu và châu Á. Tuy nhiên, trong năm 2022, xung đột Nga - Ukraine xảy ra đã khiến nhiều container chè XK sang thị trường Nga phải quay đầu về nước, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tại Hội nghị, đại diện các Thương vụ Việt Nam tại thị trường Australia, Algeria, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan… đã thông tin về tình hình thị trường các nước này và kế hoạch xúc tiến thương mại của Việt Nam với các thị trường nước ngoài.

Tin cùng chuyên mục