Các nhà sản xuất ô tô kỳ vọng các nhà cung cấp linh phụ kiện trong nước có hồ sơ năng lực tốt, giá tương đương với sản phẩm nhập khẩu và chất lượng ổn định. Ảnh: Mai Quân |
Nhập nhiều, nội địa hoá thấp
Giáo sư Kobayashi Hedeo (Viện Nghiên cứu Công nghiệp sản xuất linh phụ kiện ô tô – Đại học Waseda của Nhật Bản) từng cảm thán, số lượng xe sản xuất của Việt Nam quá thấp, thuộc loại thấp nhất ASEAN. Và, như lời của vị giáo sư này, đây chính là nguyên nhân lớn nhất khiến ngành sản xuất linh phụ kiện của Việt Nam không phát triển được.
Tỷ lệ nội địa hoá trong sản xuất ô tô tại Việt Nam rất thấp (10% với xe du lịch, 30% với xe tải, 40% với xe khách). Chủ yếu là các nhà cung cấp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chiếm đến 90%, còn lại chỉ có vài doanh nghiệp nội địa (trong tổng số 217 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này) có thể tham gia vào mạng lưới nhà cung cấp phụ tùng, linh kiện cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô ở Việt Nam.
Chưa kể, phần lớn các nhà sản xuất ô tô ở Việt Nam đã quen với việc nhập linh kiện, phụ tùng để lắp ráp. Riêng năm 2015, Việt Nam phải chi hơn 3 tỷ USD nhập khẩu linh kiện, phụ tùng ô tô. Còn trong 7 tháng đầu năm 2016, theo Tổng cục Hải quan, trị giá nhập khẩu nhóm hàng này là 1,96 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn theo tính toán của Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách công nghiệp (IPSI) thuộc Bộ Công Thương chi phí sản xuất ô tô của Việt Nam vẫn cao hơn khoảng 20% so với chi phí sản xuất tại các nước ASEAN khác (như Thái Lan, Indonesia).
Chuyển dịch từ xe máy đến ô tô
Để cải thiện thực trạng nêu trên, mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp cung ứng linh phụ kiện ô tô Việt Nam, theo Giáo sư Kobayashi, cần phải nhận ra điểm mạnh từ năng lực kỹ thuật tích luỹ được trong các nhà sản xuất linh kiện xe máy. Do đó, cần tạo điều kiện để các nhà sản này chuyển dịch sang sản xuất linh phụ kiện cho cả ô tô và xe máy.
Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản. Theo giới chuyên gia, để trở thành nhà cung ứng linh phụ kiện ô tô và xe máy thì các doanh nghiệp trong nước phải chịu khó đầu tư đổi mới công nghệ, cải tiến sản phẩm cũng như nguồn nhân sự cao cấp để đáp ứng yêu cầu của các đối tác. Trong khi đó, hàng năm, các hãng sản xuất ô tô, xe máy lớn luôn thay đổi thiết kế sản phẩm mới, thay đổi công nghệ… Cho nên, nếu các doanh nghiệp nội không đáp ứng được thì rất dễ bị trượt khỏi hệ thống cung ứng linh kiện, phụ tùng.
Dành lời khuyên cho các nhà cung ứng Việt, ông Daiki Matsumoto, Tổng giám đốc Công ty Tobata Turret (Nhật Bản) cho rằng, cần phải xác định rõ mục đích gia nhập lĩnh vực sản xuất linh kiện ô tô là gì, tại sao lại quyết định tham gia. Các nhà cung ứng linh phụ kiện phải “đọc” được xu hướng, cơ cấu ngành công nghiệp ô tô hiện nay và phải thoát khỏi hình ảnh “công ty phụ thuộc”.
Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, cán bộ thuộc IPSI, điều mà các nhà sản xuất ô tô kỳ vọng đối với các doanh nghiệp cung cấp linh phụ kiện trong nước chính là hồ sơ năng lực tốt, giá tương đương với sản phẩm nhập khẩu, chất lượng ổn định, sai số thấp. Các doanh nghiệp còn phải có khả năng cung cấp với quy mô lớn, cho nhiều khách hàng khác nhau. Điều đó đòi hỏi các doanh nghiệp linh phụ kiện ô tô, xe máy nội địa cần cải tiến năng suất, giảm chi phí sản xuất, cạnh tranh bằng giá và chất lượng sản phẩm. Về mặt chính sách, bên cạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp phụ tùng ô tô duy trì hoạt động sản xuất sau năm 2018 thì trong trung và dài hạn cần hướng tới mục tiêu xuất khẩu phụ tùng linh kiện ô tô.