Ảnh Internet |
Do đó, việc cắt giảm chi phí logistics nói chung và chi phí vận tải nói riêng là nhiệm vụ cấp thiết, có ý nghĩa rất lớn đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Vì sao chi phí logistics cao?
Hội nghị toàn quốc về logistics vừa diễn ra tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đại diện các bộ, ngành, địa phương, WB, đông đảo doanh nghiệp đã cùng tham dự hội nghị này.
Một trong những bất cập được mổ xẻ tại Hội nghị là việc tổ chức vận tải chưa hợp lý, chưa phát huy được hết lợi thế của các phương thức vận tải, chưa phát triển được vận tải đa phương thức trên các hành lang. Vận tải đường bộ có giá thành cao nhất nhưng chiếm tới 77,20% thị phần, trong khi các phương thức vận tải khối lượng lớn, giá thành thấp như đường thủy nội địa, đường biển chỉ chiếm 17,14% và 5,22%. Cá biệt vận tải đường sắt chỉ chiếm 0,42%, đường hàng không chỉ chiếm 0,02%.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công nhấn mạnh, một trong những nguyên nhân chính gây ra sự mất cân đối giữa các loại hình vận tải là việc quá tập trung đầu tư cho đường bộ. Ngoài ra, việc sử dụng các loại phương tiện vận tải chưa tối ưu nên giữa các loại hình vận tải có sự chênh lệch về chi phí.
Theo WB, một bất cập nữa khiến chi phí logistics bị đội lên, đó là các loại phí, lệ phí đối với hoạt động giao thông vận tải tại Việt Nam còn cao so với một số quốc gia trong khu vực. Thị trường vận tải chưa minh bạch, thiếu thông tin, giá cước vận tải cao.
Còn theo ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, điểm yếu của các doanh nghiệp logistics Việt Nam là chi phí dịch vụ chưa cạnh tranh tốt, chất lượng cung cấp một số dịch vụ chưa cao. Điều này xuất phát chủ yếu từ việc các doanh nghiệp hạn chế về quy mô, vốn, kinh nghiệm, trình độ quản lý, khả năng áp dụng công nghệ thông tin cũng như trình độ nguồn nhân lực.
4 trụ cột tạo thuận lợi thương mại và logistics
Tại Hội nghị, ông Achim Fock, Giám đốc điều phối dự án của WB tại Việt Nam khuyến nghị Chính phủ Việt Nam cần thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại thông qua việc cải cách thủ tục hành chính; thúc đẩy những hạ tầng phục vụ thương mại cũng như kết nối giao thông; xây dựng ngành logistics có tính cạnh tranh về dịch vụ…
Theo ông Phạm Minh Đức, chuyên gia kinh tế cao cấp của WB, để có thể giảm chi phí logistics, Việt Nam cần xây dựng và bám sát khung tích hợp 4 trụ cột tạo thuận lợi thương mại và logistics. Thứ nhất là khung pháp lý tạo thuận lợi thương mại và tiêu chuẩn. Thứ hai là hạ tầng thương mại và chất lượng kết nối. Thứ ba là quy định đối với dịch vụ logistics, doanh nghiệp cung cấp/người sử dụng dịch vụ logistics. Cuối cùng là khung thể chế cho sự phối hợp giữa các cơ quan và cơ chế thực hiện.
Để kéo giảm chi phí logistics, Bộ GTVT cho biết, trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường vận tải nội địa theo hướng giảm thị phần vận tải bằng đường bộ, tăng thị phần vận tải bằng đường sắt và đường thủy nội địa, đặc biệt là trên các hành lang vận tải chính. Bên cạnh đó, Bộ GTVT sẽ đẩy mạnh kết nối giữa các phương thức vận tải, xây dựng công trình giao thông, hạ tầng kho bãi, trung tâm logistics; cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng mới các ga đường sắt đầu mối hàng hóa... Đặc biệt, sẽ khuyến khích các doanh nghiệp vận tải và chủ hàng sử dụng sàn giao dịch vận tải, tạo điều kiện kết nối giữa đơn vị vận tải và chủ hàng, tăng tính minh bạch của thị trường vận tải, nâng cao hiệu quả khai thác.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, logistics là ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể của nền kinh tế. Vì thế, cần phát triển dịch vụ logistics thành một ngành kinh tế đem lại giá trị gia tăng cao; phát triển thị trường dịch vụ logistics lành mạnh; tăng cường kết nối để đưa Việt Nam trở thành một đầu mối logistics quan trọng của khu vực.