Tín dụng bất động sản đang chảy vào đâu?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khảo sát từ báo cáo tài chính quý II cho thấy, dư nợ tín dụng hoạt động kinh doanh bất động sản của nhiều ngân hàng tăng mạnh trong nửa đầu năm nay. Trong khi đó, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu khởi sắc, số lượng các giao dịch ở mức thấp. Một số ý kiến cho rằng, dòng vốn có thể đổ vào các dự án lớn đang hoàn thiện, hoặc đang hỗ trợ thâu tóm dự án khác hoặc cho doanh nghiệp vay để trả nợ trái phiếu đến hạn.
Trong 5 tháng đầu năm, tín dụng vào kinh doanh bất động sản tăng 14% trong khi tín dụng cho tiêu dùng bất động sản giảm 1,32%. Ảnh: Nhã Chi
Trong 5 tháng đầu năm, tín dụng vào kinh doanh bất động sản tăng 14% trong khi tín dụng cho tiêu dùng bất động sản giảm 1,32%. Ảnh: Nhã Chi

Tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), dư nợ cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản tăng từ mức hơn 108,8 nghìn tỷ đồng (chiếm 25,87% tổng dư nợ tín dụng) vào cuối năm ngoái lên mức hơn 153 nghìn tỷ đồng (chiếm 31,94% tổng dư nợ tín dụng) vào cuối quý II năm nay, tương ứng tăng 40,6%.

Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), dư nợ cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản tăng từ mức gần 31,5 nghìn tỷ đồng (chiếm 6,75% tổng dư nợ tín dụng) vào cuối năm trước lên mức gần 59,5 nghìn tỷ đồng (chiếm gần 15% tổng dư nợ tín dụng) vào cuối quý II năm nay, tương ứng mức tăng 88%.

Tương tự, mức tăng dư nợ tín dụng hoạt động kinh doanh bất động sản tại các ngân hàng HDBank, MB, VPBank, TPBank, MSB lần lượt là 56%, 31%, 22%, 35%, 14%.

Theo Thông cáo số 96/TC-BXD của Bộ Xây dựng về thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý II/2023, tính đến 31/5/2023 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 925,8 nghìn tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức gần 906 nghìn tỷ đồng của tháng 4/2023.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, tín dụng vào kinh doanh bất động sản trong 5 tháng đầu năm tăng 14%. Tuy nhiên, tín dụng cho tiêu dùng bất động sản trong 5 tháng lại giảm 1,32%, trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng tới 15%. Như vậy, tới thời điểm hiện tại, nhà đầu tư bất động sản là cá nhân và người mua nhà để tiêu dùng vẫn chưa sẵn sàng đầu tư.

Báo cáo đánh giá của Bộ Xây dựng dẫn số liệu từ các địa phương (58/63 tỉnh/thành) cho biết, trong quý II/2023 có 96.977 giao dịch thành công. Trong đó, căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ có 29.725 giao dịch thành công, bằng khoảng 75,61% so với quý I/2023 và 43,03% so với quý II/2022. Lượng giao dịch chủ yếu tập trung vào phân khúc đất nền với 67.525 giao dịch thành công, bằng khoảng 99,98% so với quý I/2023 và 31,57% so với quý II/2022.

Theo khảo sát, lượng tìm mua bất động sản toàn quốc tính đến hết quý II/2023 giảm khoảng 33% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình giao dịch trong quý trầm lắng do niềm tin của người mua, nhà đầu tư bị ảnh hưởng và những khó khăn về hạn mức tín dụng, lãi suất vay vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Ông Trần Tánh, Phó phòng Phân tích Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, từ báo cáo tài chính của các ngân hàng, có thể nhận thấy tín dụng cho hoạt động kinh doanh bất động sản tăng mạnh trong nửa đầu năm nay, song chưa thể khẳng định là dòng vốn cho vay để làm gì. “Có thể vốn tín dụng vào các dự án bất động sản đang triển khai. Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp, nhiều doanh nghiệp bất động sản đến hạn trả nợ trái phiếu và phải vay ngân hàng, từ đó đẩy tín dụng bất động sản tăng cao”, ông Tánh phân tích.

Theo TS. Châu Đình Linh, giảng viên Đại học Ngân hàng TP.HCM, từ đầu năm đến nay, ngân hàng ở trong tình trạng dư thừa nguồn vốn, lãi suất cho vay đang giảm nhưng nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vẫn gặp khó khăn về thị trường nên chưa muốn vay. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp bất động sản lớn có dự án đang triển khai hoặc muốn thâu tóm dự án của doanh nghiệp khác có thể đã tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của ngân hàng. Bên cạnh đó, nguồn tín dụng bất động sản từ ngân hàng cũng có thể góp phần giải thế bí về việc thanh toán nợ trái phiếu đến hạn của doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, không hẳn mọi doanh nghiệp bất động sản đều tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, hay nói cách khác, chỉ các doanh nghiệp có dự án với khả năng sinh lợi tốt hoặc doanh nghiệp có mối quan hệ thân thiết với ngân hàng.

Theo ông Linh, tín dụng cho hoạt động kinh doanh bất động sản tăng vừa góp phần giúp ngân hàng giải quyết tình trạng ứ vốn vừa giải được các bài toán về vốn và nợ của doanh nghiệp. Từ đó, giải quyết được các vấn đề trong ngắn hạn của ngân hàng và doanh nghiệp nhưng có thể đẩy rủi ro về dài hạn. Chẳng hạn, nếu doanh nghiệp hoàn thành được dự án nhưng sức cầu thị trường vẫn thấp thì khả năng trả nợ cho ngân hàng gặp khó. Do đó, cùng với việc đẩy mạnh tín dụng kinh doanh bất động sản, cần xem xét cân đối với sức cầu của thị trường và tín dụng tiêu dùng bất động sản. Mặt khác, cần chú trọng quản trị rủi ro với tín dụng bất động sản trong xem xét với các biến động trong môi trường kinh tế vĩ mô, tránh tình trạng giải ngân tốt trong một thời gian ngắn rồi đột ngột phải thắt chặt thì có thể gây khó cho khả năng hoàn thành dự án và trả nợ của doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục