Đến hết tháng 10/2016 tăng trưởng tín dụng của cả nền kinh tế mới đạt 11,81%. Ảnh: Đinh Tuấn |
Sức hấp thụ vốn yếu
Chỉ còn khoảng tháng rưỡi nữa là kết thúc năm tài chính, cũng là thời điểm các ngân hàng chuẩn bị cho kế hoạch năm tới, nhưng trước tiên cần phải hoàn thành nhiệm vụ của năm 2016, trong đó có chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Thực ra, mức tăng trưởng tín dụng của từng ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp “quota” từ đầu năm dựa trên quy mô của từng ngân hàng. Tuy nhiên, con số này thường không được công bố rộng rãi, mà chỉ có con số định hướng tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống năm nay là khoảng 18 - 20%.
Nếu nhìn vào con số dư nợ tín dụng của những ngân hàng lớn từ công bố hoạt động kinh doanh hết quý III/2016 có thể thấy, VietinBank có dư nợ cho vay đạt 625 nghìn tỷ đồng, tăng 16,23% so với cuối năm 2015; dư nợ tín dụng của Vietcombank tăng 15,7% so với đầu năm, lên 447,88 nghìn tỷ đồng; với giới ngân hàng tư nhân thì SHB có tổng dư nợ đạt hơn 147.300 tỷ đồng, tăng 12,1% so với cuối năm 2015… Mặc dù tỷ lệ tăng trưởng tín dụng ở các ngân hàng lớn có ý nghĩa quyết định tới cả hệ thống, nhưng theo số liệu đến hết tháng 10/2016, tăng trưởng tín dụng của cả nền kinh tế mới đạt 11,81%, còn cách xa chỉ tiêu định hướng đặt ra từ đầu năm.
Phân tích của các chuyên gia kinh tế cho hay, tín dụng năm nay không tăng mạnh theo hướng tháng sau cao hơn tháng trước có phần do hấp thụ rất yếu vốn từ nền kinh tế. Bởi năm 2015 tăng trưởng GDP ở mức 6,68% và mục tiêu GDP năm 2016 là 6,7%, nên khi xây dựng tăng trưởng tín dụng, NHNN dựa trên những con số đó. Nhưng nay dự báo nhiều khả năng GDP năm 2016 chỉ khoảng 6,3 - 6,5% nên có thể đã phản ánh rõ sức hấp thụ vốn. Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB), nền kinh tế khó khăn nên thời gian qua nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó, số doanh nghiệp trụ lại phát triển cũng không nhiều. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng có tăng tốt hay không phụ thuộc vào số lượng và chất lượng của doanh nghiệp. Khi số doanh nghiệp vay vốn tăng lên, đồng thời bản thân những doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh mở rộng tăng doanh thu thì đương nhiên sẽ kéo nhu cầu tín dụng cũng tăng lên.
Nguồn vốn dồi dào nhưng không dễ vay
Rõ ràng, sức hấp thụ vốn yếu, sự thận trọng khi cho vay, cùng với những vướng mắc về chứng minh tài chính của khách hàng và cơ sở pháp lý về sở hữu tài sản khiến cho tín dụng tăng chậm. Trong khi đó nguồn vốn của hệ thống ngân hàng vẫn đang khá dồi dào, thanh khoản tốt. Điều này thể hiện qua số liệu thống kê của NHNN trung tuần tháng 10 khi lãi suất VND bình quân trên thị trường liên ngân hàng có xu hướng giảm ở hầu hết các kỳ hạn chủ chốt dưới 1 tháng. Cụ thể, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, 1 tháng giảm lần lượt 0,24%/năm, 0,25%/năm và 0,24%/năm xuống mức 0,38%/năm, 0,43%/năm và 1,51%/năm.
Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng thấp, chứng tỏ nhu cầu vay mượn lẫn nhau của các ngân hàng rất ít, cho thấy nguồn vốn ở các ngân hàng dồi dào. Vì vậy, thời gian còn lại của năm 2016, đặt giả thuyết tín dụng thường dồn vào cuối năm như từng xảy ra các năm trước, với mức tăng 4% mỗi tháng trong tháng 11 và 12 thì tăng trưởng tín dụng mới sát với mục tiêu định hướng từ đầu năm.