Năm 2022 có 51 dự án sử dụng đất áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư. Ảnh: Lê Tiên |
Bộ KH&ĐT cho biết, năm 2022, cả nước có 264 dự án đầu tư có sử dụng đất triển khai lựa chọn nhà đầu tư theo Nghị định số 25/2020/NĐ-CP và 54 dự án thực hiện theo Nghị định số 30/2015/NĐ-CP, tăng 26% về số lượng dự án so với năm 2021. Tổng vốn đầu tư các dự án tăng 15% (từ 209.508 tỷ đồng năm 2021 lên 239.912 tỷ đồng năm 2022) với tổng diện tích đất sử dụng 7.014 ha (năm 2021 là 6.839 ha, tương đương tăng 3%).
Trong đó, 54 dự án đầu tư có sử dụng đất được chuyển tiếp thực hiện theo Nghị định số 30/2015/NĐ-CP với tổng vốn đầu tư 51.150 tỷ đồng, tăng 5.891 tỷ đồng so với năm 2021, tổng diện tích sử dụng đất là 2.239 ha, tăng 246 ha). Nếu một trong những tồn tại của các dự án đầu tư có sử dụng đất chuyển tiếp năm 2021 là chậm triển khai thì đến năm 2022 đã thực hiện xong việc lựa chọn nhà đầu tư đối với 29 dự án (đạt 54%), đã và đang thực hiện lựa chọn nhà đầu tư 14 dự án (chiếm 26%), đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư 7 dự án (chiếm 13%).
Đối với 264 dự án thực hiện theo Nghị định số 25/2020/NĐ-CP, tổng vốn đầu tư đạt 188.762 tỷ đồng, tăng 32% về số lượng dự án và tăng 24.513 tỷ đồng so với năm 2021 (tương đương tăng 15%). Tổng diện tích đất sử dụng là 4.775 ha, giảm 71 ha so với năm 2021. Các số liệu này cho thấy, mặc dù số lượng dự án tăng mạnh, tổng vốn đầu tư tăng cao nhưng diện tích sử dụng đất giảm chứng tỏ hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả đầu tư vào các dự án được chú trọng.
Với 51 dự án thực hiện theo Nghị định số 25/2020/NĐ-CP áp dụng đấu thầu rộng rãi, có 120 nhà đầu tư mua hồ sơ mời thầu (trung bình 2,35 nhà đầu tư mua hồ sơ mời thầu/dự án) và có 93 nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu (trung bình 1,82 nhà đầu tư tham dự thầu/dự án).
Với 264 dự án đầu tư có sử dụng đất được công bố danh mục, có 243 nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện. Tính cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư được cải thiện so với năm 2021. Cụ thể, năm 2022 có 26% số dự án áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư, cao hơn con số 23% của năm 2021, tỷ lệ chỉ định thầu nhà đầu tư năm 2022 là 7%, giảm so với năm 2021 (8%).
Bộ KH&ĐT cho biết, có 49/264 dự án thực hiện theo quy định tại Nghị định số 25/2020/NĐ-CP được gia hạn thời gian đăng ký thực hiện sau khi công bố danh mục dự án để thu hút thêm nhà đầu tư quan tâm, chiếm 19% số dự án. Điều này đã tác động làm tăng số lượng dự án được đấu thầu rộng rãi, tạo điều kiện để các nhà đầu tư có thêm thời gian chuẩn bị hồ sơ đăng ký thực hiện.
Với 51 dự án thực hiện theo Nghị định số 25/2020/NĐ-CP áp dụng đấu thầu rộng rãi, có 120 nhà đầu tư mua hồ sơ mời thầu (trung bình 2,35 nhà đầu tư mua hồ sơ mời thầu/dự án) và có 93 nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu (trung bình 1,82 nhà đầu tư tham dự thầu/dự án).
Tổng hợp báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cũng cho thấy, năm 2022 có 34 dự án tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật chuyên ngành và pháp luật xã hội hóa. Trong đó, nhà ở xã hội là lĩnh vực được triển khai nhiều nhất với 18 dự án, tiếp đó là dự án trong lĩnh vực giáo dục (5 dự án); y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn là 2 lĩnh vực có cùng số dự án (4 dự án); 3 lĩnh vực còn lại là cấp thoát nước, năng lượng tái tạo và nạo vét, mỗi lĩnh vực có 1 dự án.
Trong số 34 dự án trên, có 28 dự án thực hiện thủ tục chấp thuận nhà đầu tư theo pháp luật về đầu tư, 3 dự án được tổ chức đấu thầu, còn lại 3 dự án chưa được các địa phương xác định hình thức lựa chọn nhà đầu tư hoặc đang trong quá trình đánh giá yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm.
Bộ KH&ĐT đánh giá, việc đăng tải thông tin, lựa chọn nhà đầu tư năm 2022 được thực hiện tối đa trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, góp phần tăng tính cạnh tranh, minh bạch, công bằng và tiết kiệm chi phí trong đấu thầu. Các số liệu báo cáo tài chính của nhà đầu tư tham dự thầu được tích hợp với hệ thống thuế điện tử và hệ thống đăng ký doanh nghiệp, bảo đảm việc đánh giá tình hình tài chính của nhà đầu tư khách quan, chính xác và thuận lợi cho công tác hậu kiểm.