Ảnh Internet |
Theo Báo cáo về chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2019 vừa được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố, Việt Nam đứng thứ 67 trong 141 nền kinh tế, tăng 10 bậc so với năm ngoái, ghi nhận bước tiến mạnh mẽ nhất trong các nền kinh tế trên thế giới.
Việt Nam tăng điểm ở hầu hết trong số 12 trụ cột tính điểm của WEF, với đánh giá cao nhất tại trụ cột “sức khỏe”, đứng thứ 71 và thấp nhất là trụ cột “năng lực sáng tạo”, đứng thứ 76, dù trụ cột này đã có cải thiện so với năm ngoái.
Về kết quả đánh giá này, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bình luận: “Đây rõ ràng là kết quả bước đầu minh chứng cho nỗ lực bền bỉ trong cải cách của Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua”.
Theo vị Chủ tịch VCCI, những nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh ở Việt Nam mấy năm qua đã gặt hái những chùm quả ngọt. Đó là thành quả tăng trưởng cao kỷ lục so với cùng kỳ nhiều năm trước cùng với sự chuyển dịch về cơ cấu và cải thiện bước đầu về chất lượng tăng trưởng, bất chấp tình trạng suy giảm nhịp độ tăng trưởng, bất ổn trong nền kinh tế toàn cầu trước trào lưu của chủ nghĩa bảo hộ và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Những quả ngọt đó cũng đã nhận được đánh giá tích cực từ các tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước. Báo cáo 20 nền kinh tế có tiềm năng tăng trưởng thương mại mạnh mẽ nhất vừa được Ngân hàng Standard Chartered công bố nhấn mạnh: “Việt Nam nổi lên là câu chuyện thành công trong ASEAN về tăng trưởng thương mại”.
Theo đó, kết cấu hạ tầng phát triển và chỉ số thuận lợi kinh doanh được cải thiện là những yếu tố chính giúp tăng cường năng lực hỗ trợ thương mại của Việt Nam. Đồng thời, tốc độ tăng trưởng nhanh được chú trọng vào tính bền vững và ổn định, đặc biệt ở khía cạnh kim ngạch xuất khẩu, là động lực thúc đẩy tính năng động của nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam đứng ở vị trí thứ 6 trong danh sách 20 nền kinh tế có tiềm năng tăng trưởng thương mại mạnh mẽ nhất trong báo cáo này.
Cũng theo Standard Chartered, Việt Nam có những nền tảng vững chắc để thúc đẩy tăng trưởng, như: Tình hình chính trị ổn định, những điều kiện thuận lợi để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và dân số trẻ. Chính phủ đã khai thác hiệu quả những yếu tố này, trong đó tập trung vào cải cách và cắt giảm quy định về điều kiện kinh doanh, đầu tư vào nguồn nhân lực, hạ tầng và thúc đẩy tự do hóa thương mại.
Ông Nirukt Sapru, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam và nhóm 5 nước ASEAN và Nam Á chia sẻ: “Việt Nam đang gặt hái thành quả của quá trình mở cửa và hội nhập kinh tế. Hiện Việt Nam là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực, một minh chứng rõ ràng cho những lợi ích mà một nền kinh tế mở mang lại. Với những nỗ lực của Chính phủ trong cải thiện năng lực hỗ trợ thương mại và môi trường kinh doanh cùng động lực từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam dự kiến sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng thương mại mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới”.
Tương đồng về quan điểm, Báo cáo Chiến lược đầu tư của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định: “Nhìn chung, triển vọng duy trì ổn định tăng trưởng kinh tế vẫn sáng trong năm tiếp theo. Trong bối cảnh kinh tế khu vực và toàn cầu chao đảo theo xu hướng đi xuống, duy trì thành công tăng trưởng kinh tế ổn định là thành quả vượt mong đợi và trở thành điểm neo đậu niềm tin nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế Việt Nam”.