Khu công nghiệp, cảng biển Hải Hà được quy hoạch với tổng diện tích 4.988 ha, đất sản xuất công nghiệp là 2.745 ha. Ảnh: Khánh Giang |
Dự án bị chết yểu
Ngày 5/3/2007, TKV và các đối tác trong nước đã thỏa thuận thành lập Công ty CP Đầu tư phát triển Khu kinh tế Hải Hà (Công ty Hải Hà) với mục tiêu đầu tư xây dựng và kinh doanh khu công nghiệp và cảng biển tại huyện Hải Hà, Quảng Ninh. Khu công nghiệp, cảng biển Hải Hà được quy hoạch với tổng diện tích 4.988 ha, đất sản xuất công nghiệp là 2.745 ha.
Ngày 9/3/2007, các bên dự kiến thành lập Công ty Hải Hà với tổng mức đầu tư dự kiến 300 triệu USD, gồm Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin góp 15%), TKV (10%), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - 7%), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN - 7%), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT - 7%), Tổng công ty Sông Đà (7%), Công ty Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long (7%), Quỹ đầu tư Hải Hà (20%), các thể nhân khác 20%.
Đến năm 2009, nhiều cổ đông đăng ký góp vốn ban đầu đã có văn bản xin không tham gia và rút khỏi Công ty. Tính đến cuối năm 2018, vốn điều lệ thực góp của Hải Hà mới đạt hơn 81,4 tỷ đồng. Trong đó, TKV góp 58,81%, tương đương hơn 47,8 tỷ đồng, số còn lại 33,5 tỷ đồng do Tổng công ty Sông Đà góp.
Từ tháng 7/2010 đến nay, Công ty vẫn không sản xuất kinh doanh và gặp nhiều khó khăn về công tác tổ chức nhân sự và tài chính. Dự án hiện chưa có quyết định giao đất/cho thuê đất; chưa có quyết định phê duyệt dự án đầu tư; chưa có giấy chứng nhận đầu tư; chưa có giấy phép xây dựng. Công ty cũng còn duy nhất 1 nhân sự là Tổng giám đốc.
Do ngừng hoạt động từ lâu, Đại hội đồng cổ đông của Công ty năm 2012 đã thông qua chủ trương tiến hành thủ tục giải thể nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Mức giá bán đấu giá có hấp dẫn?
Theo báo cáo tài chính năm 2018, tới cuối năm 2018, tổng tài sản của Công ty Hải Hà đạt 107,7 tỷ đồng, song tiền chỉ còn khoảng 7,5 triệu đồng. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản của Hải Hà là khoản phải thu dài hạn khác với Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Cái Lân (thuộc Vinashin) trị giá lên tới 80,6 tỷ đồng. Theo thông tin từ Công ty TNHH Kiểm toán Đại Dương, đơn vị thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của Hải Hà, khoản phải thu 80,6 tỷ đồng trên là Hợp đồng tín dụng cho vay vốn do Tổng giám đốc Công ty Hải Hà ký, chưa được thông qua Hội đồng cổ đông và chưa có ý kiến của HĐQT.
Theo Văn bản số 1113/VPCP-ĐMDN ngày 22/2/2016 của Văn phòng Chính phủ và Văn bản số 2325/BCT-TC ngày 18/3/2016 của Bộ Công Thương, TKV sẽ thực hiện thoái vốn đầu tư tại Hải Hà.
Sáng ngày 27/9 tới đây trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), TKV sẽ mang toàn bộ phần vốn góp 47,8 tỷ đồng ra bán đấu giá với giá khởi điểm 48,5 tỷ đồng. Mức chênh 0,7 tỷ đồng (tương đương 1% giá gốc vốn góp) được giải thích là giá trị văn hoá, lịch sử tính theo Thông tư số 59/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Trong bối cảnh dự án chưa hoàn thành và ngừng hoạt động nhiều năm, tiền cũng cạn kiệt, mức giá TKV đưa ra được xem là không hấp dẫn nhà đầu tư. Được biết, giữa tháng 7/2019, Công ty TNHH PKF Việt Nam từng tư vấn, tính toán giá trị phần vốn đã đầu tư của TKV tại Hải Hà nhưng do các thông tin bị hạn chế nên các phương pháp thẩm định giá trị đều không thực hiện được. Giá trị khoản đầu tư sau đó được giữ nguyên với giá gốc do lo ngại "mất vốn nhà nước".
1 tháng trước, TKV cũng đem bán đấu giá toàn bộ phần vốn góp 187,3 tỷ đồng tại dự án Bauxite với giá khởi điểm 189,2 tỷ đồng nhưng đã không thành công.