Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế. Ảnh: TTXVN |
Với bề dày nghiên cứu chiến lược trong suốt hơn bốn thập kỷ qua, CSIS đã có đóng góp quan trọng vào việc nghiên cứu những vấn đề chiến lược hệ trọng của đất nước, của khu vực và thế giới; đề xuất nhiều khuyến nghị về hoạch định chính sách đối ngoại và phát triển của Indonesia cũng như đóng góp vào việc tăng cường hiểu biết giữa giới học giả và nhân dân các nước khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Tại CSIS, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài nói chuyện với chủ đề: “ASEAN: 50 năm hình thành, phát triển và chặng đường phía trước” trước hàng trăm học giả, nhà nghiên cứu của Indonesia và các đại sứ, đại diện cơ quan ngoại giao một số nước tại Jakarta.
Trong bài nói chuyện, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại truyền thống quan hệ hữu nghị lâu đời giữa hai dân tộc, từ thế kỷ 19, triều đình nhà Nguyễn của Việt Nam đã cử vị sứ giả đầu tiên là danh sỹ Cao Bá Quát sang xứ sở Batavia (nay là thủ đô Jakarta) để thúc đẩy giao thương giữa hai bên.
Mối quan hệ đó tiếp tục được nuôi dưỡng, vun đắp và ngày càng phát triển, hai nước trở thành đối tác chiến lược từ năm 2013, cùng là thành viên ASEAN, chia sẻ nhiều lợi ích và giá trị tương đồng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của ASEAN, một trong những tổ chức khu vực thành công trên thế giới, một khu vực kinh tế năng động, với sức mạnh của một nền kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới. Việc xây dựng Cộng đồng ASEAN trở thành một thể thống nhất, gắn bó, không chỉ mang lại những lợi ích quan trọng cho mỗi nước thành viên, mà cả các nước ngoài khu vực.
Tổng Bí thư phân tích những thách thức mà ASEAN đang phải đối mặt; đồng thời chỉ rõ những bài học đã giúp ASEAN thành công trong suốt 50 năm qua. Đó là bài học về giữ vững “độc lập, tự cường,” “đoàn kết, thống nhất,” giữ được “vai trò trung tâm” trong các cơ chế hợp tác khu vực, kiên trì “phương thức ASEAN” - tham vấn và đồng thuận. Một ASEAN đoàn kết, thống nhất, vững mạnh, tăng cường liên kết nội khối và mở rộng quan hệ với bên ngoài, là lợi ích lớn nhất của tất cả các nước.
Đồng thời, ASEAN có thể đóng vai trò “trung gian tích cực” giúp giải quyết những mâu thuẫn lợi ích, duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.
Để hiện thực hóa “Tầm nhìn ASEAN 2025," Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ASEAN cần nỗ lực thực hiện 3 điểm: xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN thực sự gắn kết, vững mạnh và phát triển thịnh vượng; duy trì và củng cố hòa bình, ổn định của khu vực; tăng cường quan hệ với các đối tác bên ngoài, đồng thời củng cố, phát huy hiệu quả vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc đang định hình ở khu vực.
Trong 22 năm qua, dù là thành viên đến sau, với trình độ phát triển còn có hạn, nhưng Việt Nam đã nỗ lực hết sức mình tham gia với tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm, góp phần duy trì và thúc đẩy một trật tự ở Đông Nam Á dựa trên các quy tắc của khu vực và phù hợp với luật pháp quốc tế. Việt Nam luôn coi ASEAN là ngôi nhà chung, đặt ưu tiên cao quan hệ với các nước thành viên, gắn bó hài hòa lợi ích quốc gia của Việt Nam với lợi ích của cả khu vực.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong rằng Việt Nam và Indonesia có vị trí quan trọng ở khu vực, cùng chia sẻ nhiều quan niệm và giá trị chung, có truyền thống gắn bó và hợp tác chặt chẽ, chung tay đoàn kết cùng các nước ASEAN khác tiếp tục những nỗ lực không mệt mỏi, phấn đấu hơn nữa vì lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước và vì một ASEAN "lấy người dân làm trung tâm."
Cùng với ASEAN, Việt Nam và Indonesia sẽ tiếp tục phát triển; cùng với Indonesia và Việt Nam, ASEAN sẽ ngày càng lớn mạnh, góp phần xứng đáng vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Tại cuộc nói chuyện, nhà nghiên cứu của CSIS đề cập vấn đề: ASEAN có 2 nguyên tắc cơ bản là tham vấn và đồng thuận, nhưng hiện nay nguyên tắc đồng thuận khó đạt được khi các quốc gia trong khu vực có lợi ích khác nhau. Vậy ASEAN cần phải làm gì để thúc đẩy các vấn đề khu vực mà các bên cùng quan tâm?
Trao đổi về vấn đề này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh phương thức ASEAN bắt nguồn từ cách tiếp cận văn hóa tham vấn và đồng thuận, đồng thuận tạo ra sự đoàn kết của ASEAN và nguyên tắc này đã được ghi trong Hiến chương ASEAN. Nhiều vấn đề của ASEAN đã được giải quyết trên nguyên tắc đồng thuận. Đồng thuận tạo ra sự đoàn kết và đoàn kết thì đồng thuận càng cao. Cả lý luận và thực tế cho thấy, ASEAN cần tiếp tục kiên trì thực hiện phương châm này.
Tuy nhiên, thực tế có những vấn đề khó đạt được đồng thuận. Ở đây có mối quan hệ giữa lợi ích từng nước và lợi ích chung của khu vực. Tổng Bí thư cho rằng, các bên liên quan cần tham vấn, trao đổi để đi đến đồng thuận, nếu không đồng thuận được thì khó đoàn kết.
Để đạt được đồng thuận có 2 yếu tố, bản thân từng nước phải chân thành, cầu thị, đồng thời phải có cơ chế, quy tắc, quy định. Tuy nhiên, việc xây dựng các quy chế, quy định đó không phải một lúc làm được ngay, mà phải có quá trình, hoàn thiện từng bước.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: chân thành và cầu thị, đặt lợi ích của mình trong lợi ích chung của khu vực, đồng thời với việc xây dựng các cơ chế, quy chế, quy định thì sẽ chắc chắn sẽ đạt được đồng thuận.