TP.HCM hoạch định “đường băng” phát triển KCN

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau thời gian dài thu hút đầu tư, TP.HCM đang hoạch định “đường băng” để phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-KCX) tới năm 2030 theo hướng hiệu quả cao hơn. Trong đó, việc khắc phục những hạn chế hiện tại như công nghệ lạc hậu, thâm dụng lao động, giá trị gia tăng thấp, cạn dư địa tăng trưởng, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường… sẽ được Thành phố cân nhắc tính toán.
TP.HCM hiện có 17 khu công nghiệp, khu chế xuất đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy khoảng 80%. Ảnh: Lê Tiên
TP.HCM hiện có 17 khu công nghiệp, khu chế xuất đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy khoảng 80%. Ảnh: Lê Tiên

Hạn chế trong phát triển KCN-KCX

Theo quy hoạch, TP.HCM có 23 KCN-KCX tập trung, tổng diện tích 5.921 ha. Hiện 19 KCN-KCX đã được thành lập, trong đó 17 khu đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy khoảng 80%. Các KCN-KCX thu hút 1.665 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 12,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, ưu thế trong thu hút đầu tư của các KCN-KCX tại TP.HCM suy giảm do giá thuê đất cao, hạ tầng quá tải và không đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư. Mô hình KCN-KCX bộc lộ nhiều hạn chế.

Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Quản lý các KCN-KCX TP.HCM (Hepza) cho biết, sau nhiều năm hoạt động, một số KCN-KCX chưa bảo đảm phát triển bền vững trên khía cạnh kinh tế và môi trường. Tốc độ tăng trưởng có xu hướng chậm lại, nhiều dự án thâm dụng lao động, giá trị gia tăng thấp, công nghệ lạc hậu, sử dụng lãng phí nguồn lực, sự liên kết giữa các DN còn hạn chế, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, quá tải hạ tầng, giá trị gia tăng trên một hecta đất còn thấp.

Do đó, TP.HCM đang tính toán xác định lộ trình chuyển đổi các KCN-KCX hiện hữu theo các mô hình mới hiệu quả hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, các yếu tố đầu vào truyền thống như lao động giá rẻ, tài nguyên dồi dào không còn là thế mạnh, đòi hỏi phải quy hoạch, xây dựng mô hình KCN mới phù hợp với định hướng phát triển mới. Theo đó, mục tiêu cụ thể là xác định loại hình cần chuyển đổi cho từng KCN, KCX hiện hữu. Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp, lộ trình và cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy việc chuyển đổi.

Định hình “đường băng” mới

TP.HCM đang xây dựng Đề án Định hướng phát triển các KCN-KCX TP.HCM giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2040. Dự thảo Đề án đánh giá, trong 17 KCN-KCX đang hoạt động có một số khu sẽ hết hạn thuê đất trong thời gian tới. Đơn cử, KCX Linh Trung 1 có một số dự án FDI sẽ hết thời hạn thuê đất từ nay đến năm 2025. Nhiều DN hoạt động tại KCX Linh Trung 1 và KCX Tân Thuận lo ngại khi hết thời hạn thuê đất sẽ bị xóa sổ để chuyển sang phát triển đô thị.

Tại Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Đề án mới đây, lãnh đạo UBND TP.HCM khẳng định, Thành phố không có chủ trương bỏ hay xóa sổ KCN-KCX, mà sẽ định hướng chuyển đổi cho phù hợp. Theo Dự thảo Đề án, TP.HCM gợi ý định hướng chuyển đổi cụ thể cho một số KCN-KCX. Trong đó, tại khu vực phía Đông có 4 KCN, KCX gồm Linh Trung 1, Linh Trung 2, Bình Chiểu và Cát Lái với tổng diện tích 284,87 ha đã lấp đầy 100%. Sau khi các DN hết thời hạn thuê đất, Thành phố định hướng chuyển đổi KCX Linh Trung 1, Linh Trung 2 sang thu hút đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, giảm dần các ngành thâm dụng lao động.

Đối với KCN Bình Chiểu (hiện có hơn 50% diện tích đã và sắp hết thời hạn thuê đất), DN kinh doanh hạ tầng KCN sẽ xây dựng nhà xưởng cao tầng để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thu hút các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Sau khi hết thời hạn thuê đất, KCN này sẽ phát triển theo hướng dịch vụ logistics, khu kho lạnh, trung tâm thương mại, giới thiệu sản phẩm, giáo dục, y tế…, hoặc chuyển thành khu đô thị, do diện tích KCN nhỏ và nằm trong khu dân cư.

Tại KCN Cát Lái, hiệu quả của các dự án chưa cao, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, KCN Cát Lái được đề xuất chuyển đổi thành một phần Trung tâm Logistics Cát Lái với diện tích 200 - 292 ha.

Tương tự, các KCN-KCX phía Nam, phía Tây Bắc, phía Tây TP.HCM đều được trù tính bước chuyển đổi để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, khắc phục những hạn chế hiện nay. Các định hướng đó là chuyển đổi theo hướng thu hút dự án công nghệ cao, kho vận, công nghiệp hỗ trợ, chuyển đổi thành KCN sinh thái - đô thị - cảng…

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định: Từng bước chuyển đổi các KCN-KCX hiện hữu theo hướng hiệu quả hơn là nhu cầu cần thiết. Việc tái cấu trúc sẽ phát huy những lợi thế của Thành phố về nguồn nhân lực và vị trí trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nhằm hiện thực hóa Đề án chuyển đổi mô hình KCN-KCX, Thành phố sẽ có cơ chế, chính sách tái cơ cấu từng KCN, KCX với yêu cầu chất lượng cao hơn và có giá trị gia tăng lớn. TP.HCM dù phát triển dịch vụ đến đâu thì cũng phải giữ nền sản xuất công nghiệp.

Tin cùng chuyên mục