Ảnh minh họa. Nguồn:Internet |
Chuẩn bị kỹ cho mọi dự án PPP
Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đang tổ chức triển khai Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Tăng cường PPP đối với các dự án metro tại TP.HCM”. Trong khuôn khổ Dự án các chuyên gia về PPP từ Hàn Quốc sẽ tăng cường năng lực cho những cán bộ của Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM trong việc triển khai các dự án metro theo hình thức PPP. Phó Giám đốc Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM Hoàng Như Cương cho biết, theo quan điểm của các nhà tài trợ, đầu tư metro theo hình thức PPP sẽ tăng cường được tính cạnh tranh, hấp dẫn ở từng gói thầu cụ thể.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Lương Minh Phúc, Trưởng ban Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP.HCM cho biết, đơn vị này đang có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhất để thực hiện các dự án PPP. “Theo quan điểm của tôi, tư nhân có nhiều lợi thế khi tham gia vận hành, khai thác, bảo dưỡng, bảo trì mạng lưới xe buýt nhanh (BRT) vì kỹ năng quản trị, chất lượng phục vụ, chiến lược kinh doanh cũng như phương thức xây dựng thương hiệu. Do đó, TP.HCM kiên trì việc kêu gọi nhà đầu tư quan tâm đến các hợp phần của các dự án BRT theo hình thức PPP”, ông Lương Minh Phúc nhấn mạnh.
Ông Lê Khắc Huỳnh, Phó Giám đốc Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chia sẻ thêm, các dự án metro, BRT có tiềm năng rất lớn để phát triển hoạt động quảng cáo, tiếp thị. Đây là mảng mà nhà đầu tư tư nhân có thế mạnh và khai thác sẽ hiệu quả hơn Nhà nước. Hạ tầng đi kèm gồm các nhà ga (depot), bãi đậu xe công cộng, điểm dừng của các dự án metro, BRT là tài sản vừa hữu hình lẫn vô hình rất giá trị và cần được khai thác hiệu quả”.
Luôn đồng hành cùng nhà đầu tư
UBND TP.HCM cho biết, năm 2016, trọng tâm mà Thành phố đề ra là tăng cường công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư, đa dạng hóa nguồn vốn cho hạ tầng giao thông đô thị. Trong PPP có nhiều dạng hợp đồng để chuẩn bị phù hợp cho các dự án này. UBND TP.HCM cho biết, Thành phố sẵn sàng cung cấp thông tin để nhà đầu tư quan tâm có thêm nhiều kênh tiếp xúc với các dự án. Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM cho biết, một số tuyến metro đang được xây dựng theo hình thức PPP nhằm giải quyết bài toán vốn đầu tư. Cụ thể, tuyến metro số 4 (quận 12 - Nhà Bè) có tổng mức đầu tư 1,3 tỷ USD, 29 nhà ga. Tuyến metro số 6 (quận 6 - Tân Phú) có tổng mức đầu tư 506 triệu USD với 7 nhà ga ngầm. Bên cạnh đó, một loạt dự án hạ tầng giao thông khác như đường vành đai, đường trên cao đều đang rốt ráo công bố thông tin để thu hút nhà đầu tư.
Tuy nhiên, TP.HCM cho rằng, sự chuẩn bị cần thiết nhất hiện nay cho các dự án PPP hạ tầng giao thông là yếu tố nhân lực. “TP.HCM đã và đang đầu tư rất nhiều để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ phụ trách công tác đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư dự án PPP”, ông Lương Minh Phúc cho biết. Bên cạnh đó, những quốc gia có nhiều kinh nghiệm về triển khai dự án PPP như Anh, Hàn Quốc, Thuỵ Điển, Pháp… đã và đang hỗ trợ TP.HCM nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. “TP.HCM đã sẵn sàng triển khai các dự án PPP. Chúng tôi sẽ luôn đồng hành với nhà đầu tư để thực hiện các dự án PPP”, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM khẳng định.