TP.HCM ngóng cơ chế đột phá về đầu tư hạ tầng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, các đại biểu sẽ cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Nhiều cơ chế đặc thù liên quan đến đầu tư phát triển hạ tầng được kỳ vọng sẽ tạo động lực tăng trưởng cho TP.HCM trong giai đoạn mới.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, Dự thảo Nghị quyết sẽ cho phép Thành phố đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực văn hóa, thể thao; được áp dụng hợp đồng BOT ở các dự án nâng cấp, mở rộng đường bộ hiện hữu; thực hiện dự án theo hợp đồng BT. Một nội dung quan trọng khác là đề xuất cơ chế chính sách tăng vốn điều lệ cho Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC), giúp Thành phố tập trung được nguồn lực đầu tư các công trình, dự án trọng điểm hoặc hỗ trợ vốn cho việc xây dựng trường học, bệnh viện.

“Nếu Dự thảo Nghị quyết được thông qua, TP.HCM sẽ triển khai ngay 6 dự án có thể xem xét thực hiện theo hình thức BOT với nguồn vốn thu hút đầu tư gần 100.000 tỷ đồng. Đó là Dự án Mở rộng Quốc lộ 1 đoạn An Lạc - giáp ranh Long An; Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22; Dự án Mở rộng Quốc lộ 13; Dự án Xây dựng hoàn chỉnh và kéo dài trục Đông - Tây về phía Nam; Dự án Trục đường Bắc - Nam (đường Âu Cơ - Khu công nghiệp Hiệp Phước) và Dự án Đường song song Quốc lộ 50”, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Phan Công Bằng khẳng định.

Kiến trúc sư Hà Ngọc Trường, Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TP.HCM cho biết, theo Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2020 - 2030 của TP.HCM, giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến đầu tư khoảng 454 km đường, với tổng kinh phí khoảng 266.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách TP.HCM là 92.000 tỷ đồng nên nguồn lực cần thu hút từ doanh nghiệp là rất lớn. Trong khi đó, hàng loạt dự án PPP trên tuyến hiện hữu của TP.HCM trong thời gian qua “án binh bất động”, thậm chí có nguy cơ phải chấm dứt, gây lãng phí và hệ lụy cho cả Thành phố lẫn doanh nghiệp. TP.HCM đang rất cần cơ chế mới vì giao thông đô thị của Thành phố hiện không cần xây dựng tuyến mới, mà là mở rộng, nâng cấp, cải tạo, mạng lưới hiện hữu để nâng cao khả năng vận tải, lưu thông. Do đó, việc áp dụng đầu tư PPP cho các tuyến hiện hữu tại TP.HCM như Dự thảo Nghị quyết rất cần được Quốc hội thông qua.

Phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD) cũng là nội dung quan trọng mà TP.HCM xây dựng trong Dự thảo Nghị quyết. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường khẳng định, cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng giao thông, thí điểm mô hình TOD gắn với quy hoạch đô thị vùng phụ cận các nhà ga thuộc tuyến đường sắt đô thị là nền tảng để Thành phố kêu gọi nhà đầu tư quan tâm đến loạt dự án metro.

Cụ thể, theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013, TP.HCM sẽ xây dựng, hoàn thiện 8 tuyến metro xuyên tâm và vành khuyên nối các trung tâm chính của Thành phố với tổng chiều dài 219 km. “Mạng lưới metro là nền tảng của giao thông đô thị cũng như xây dựng đô thị hiện đại. Tổng nhu cầu vốn cho mạng lưới metro TP.HCM là 25,9 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 6 tuyến metro cần sự tham gia của nhà đầu tư quốc tế với mô hình tiên tiến, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam”, ông Cường cho biết.

Trong khi đó, theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, 2 tuyến metro đang triển khai (số 1 và số 2) do phụ thuộc vào nguồn vốn ODA nên bị ràng buộc rất lớn về dịch vụ tư vấn, triển khai dự án cũng như xuất xứ hàng hóa, công nghệ. Bản thân việc phát triển metro chưa áp dụng hình thức TOD khiến TP.HCM bị động trong các bài toán kinh tế dài hạn.

“Thế giới đã triển khai nhiều mô hình theo TOD thành công, đô thị sẽ được quy hoạch phát triển dọc tuyến cùng với hệ thống đường sắt. Chính quyền có thể tận dụng tối đa quỹ đất dọc tuyến và không gian tại các nhà ga trung tâm, nâng cao giá trị của khu vực nhà ga bằng cách biến các nhà ga thành một công trình phức hợp, trung tâm thương mại, trở thành điểm đến của các thương hiệu toàn cầu”, bà Ayako Kubo, đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam cho biết.

Bùi Xuân Cường chia sẻ, cả PPP trên tuyến hiện hữu và triển khai mô hình TOD để phát triển metro đều cần khung pháp lý mới, đột phá nhằm gỡ vướng cơ chế thu hút đầu tư. Tuy nhiên, các mô hình dự án này đều bị điều chỉnh bởi rất nhiều luật định liên quan. Do đó, TP.HCM mong muốn sớm được ban hành Nghị quyết phù hợp với tình hình mới nhằm giúp Thành phố tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế phía Nam.

Tin cùng chuyên mục