TP.HCM: Nói không với dự án “hút cát về đêm”

(BĐT) - TP.HCM vừa đồng ý chủ trương thực hiện các dự án xã hội hóa nạo vét sông theo hình thức tận thu sản phẩm sử dụng để bù chi phí, không sử dụng ngân sách nhà nước. Thông tin này thu hút sự chú ý của giới đầu tư dự án nạo vét luồng sông, luồng hàng hải cũng như dư luận xã hội, bởi thực tế đã có nhiều hệ lụy phát sinh nếu không chọn đúng nhà đầu tư có năng lực.
Trong thời gian qua, các dự án nạo vét luồng đường thủy theo hình thức xã hội hóa ít được cấp phép do phát sinh tình trạng tận thu cát. Ảnh: Tiên Giang
Trong thời gian qua, các dự án nạo vét luồng đường thủy theo hình thức xã hội hóa ít được cấp phép do phát sinh tình trạng tận thu cát. Ảnh: Tiên Giang

Khởi động lại 2 dự án nạo vét

Cụ thể, Thành phố thông qua chủ trương triển khai Dự án Nạo vét khu neo đậu tránh bão trên sông Gò Gia đoạn từ tim luồng Tắc Ông Cu cắt vuông góc sông Gò Gia về phía thượng lưu. Phương thức thực hiện là kết hợp tận thu sản phẩm bù chi phí, không dùng ngân sách nhà nước.

Dự án này do Công ty TNHH Thành Hồng Phát làm chủ đầu tư, đã được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chấp thuận chủ trương thực hiện trên địa bàn TP.HCM. UBND TP.HCM yêu cầu doanh nghiệp này xác định rõ quy mô nạo vét, vị trí đổ bùn và lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, xin ý kiến chấp thuận vị trí đổ bùn trước khi triển khai Dự án.

Một dự án khác cũng thực hiện theo phương thức này là Dự án Xã hội hóa nạo vét, duy tu, nâng cấp luồng sông Đồng Tranh và tuyến luồng Tắc Ông Cu - Tắc Bài đến sông Gò Gia do Công ty TNHH Hải Hưng Thịnh làm chủ đầu tư. Dự án đã triển khai thi công nhưng có dấu hiệu sạt lở, xâm thực đất rừng phòng hộ Cần Giờ. Do đó, UBND TP.HCM đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam chủ trì việc đánh giá nguyên nhân làm cơ sở tiếp tục triển khai Dự án. Công ty TNHH Hải Hưng Thịnh phải báo cáo cụ thể khối lượng đã tận thu thuộc địa phận TP.HCM để tính tiền cấp quyền khai thác, trong đó làm rõ tỷ lệ thu hồi cát, bãi đổ bùn để đổ lượng bùn đất còn lại; đóng thuế tài nguyên, tiền cấp quyền khai thác trước khi tiếp tục triển khai Dự án.

Thông tin trên gây nhiều sự chú ý, bởi trong thời gian qua, các dự án nạo vét luồng đường thủy theo hình thức xã hội hóa ít được cấp phép do tình trạng tận thu cát phát sinh.

Tăng cường kiểm soát, tránh biến tướng

Quyết định của UBND TP.HCM nêu rõ: “Thời gian thực hiện nạo vét từ 6h - 18h, không được thi công vào ban đêm” khi triển khai 2 dự án nạo vét luồng đường thủy nói trên. Đây là một lưu ý mà TP.HCM dứt khoát yêu cầu bởi tính chất phức tạp, khó kiểm soát của các dự án nạo vét luồng sông.

Đã có thời điểm các dự án xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải và nạo vét đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm đã bị Chính phủ yêu cầu dừng cấp phép mới (năm 2015 - 2016) vì những hệ lụy rất lớn mà cách làm này gây ra. Hệ lụy lớn nhất chính là nhà đầu tư yếu kém về năng lực, vẽ dự án chỉ để hợp thức hóa hành vi tận thu khoáng sản, bất chấp hậu quả đối với an toàn hành lang đường thủy, dẫn đến tiêu tốn ngân sách nhà nước để khắc phục…

Thanh tra Bộ GTVT đã từng chỉ ra tại thời điểm năm 2016, trong tổng số 71 dự án nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm được cấp phép trong những năm qua, có 47 dự án (66%) là do nhà đầu tư tự đề xuất, sau đó Bộ GTVT phê duyệt. Trong khi đó, nhiều địa phương đã chỉ rõ rằng, cơ chế nhà đầu tư đề xuất dự án xã hội hóa, đổi lại được tận thu cát để đảm bảo chi phí và lợi nhuận, không xuất phát từ nhu cầu cần thiết và cấp bách là nạo vét luồng, mà chính là chủ đầu tư đã lợi dụng cơ chế để tiến hành khai thác cát trái phép.

Nhiều chuyên gia đã cảnh báo, chi phí bỏ ra quá nhiều so với hiệu quả thu được. Trong khi vấn nạn “cát tặc” đang được Chính phủ cũng như chính quyền các địa phương mạnh tay xử lý thì không hiếm nhà đầu tư tạo dựng dự án để hợp thức hóa hành vi này.

Dễ hiểu tại sao TP.HCM đặc biệt thận trọng với việc tổ chức thi công các dự án nạo vét dạng này. Ít nhất quá trình nạo vét phải tiến hành giữa “thanh thiên bạch nhật” để các cơ quan giám sát, cộng đồng cùng tham gia đánh giá. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Thành phố đang nói không với những nhà đầu tư chuyên “vẽ” dự án để “hút cát về đêm”.