TP.HCM đã và đang quyết liệt hơn bao giờ hết để gỡ bỏ các rào cản đối với công tác giải ngân đầu tư công. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường vừa yêu cầu kiểm tra trách nhiệm của Sở Xây dựng liên quan đến việc chậm trễ thủ tục một số dự án trên địa bàn.
Đơn cử, Dự án Đầu tư xây dựng công trình hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, Quận 7 đang bị chậm tiến độ do vướng mắc trong công tác thẩm định, phê duyệt, thiết kế dự toán bồi thường di dời tái lập hệ thống cấp nước.
Đây là dự án có quy mô vốn đầu tư hơn 830 tỷ đồng; 2 gói thầu xây lắp chính đã hoàn tất công tác lựa chọn nhà thầu từ tháng 12/2019. Tuy nhiên, do vướng mắc nêu trên, đến nay công tác thi công mới đạt xấp xỉ 35% khối lượng. Cụ thể, Gói thầu Xây lắp số 2 Xây dựng hầm chui HC2 và trạm bơm do Liên danh Công ty CP Phát triển xây dựng và Thương mại Thuận An - Tổng công ty Thăng Long - Công ty CP Hải Đăng trúng thầu với giá 262,725 tỷ đồng (giá dự toán 305,756 tỷ đồng), thời gian thi công trong 450 ngày. Gói thầu Xây lắp số 1 Xây dựng hầm chui HC1 và phần đường giao thông do Liên danh Công ty CP Tập đoàn Cienco4 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính - Công ty TNHH Xây dựng Thành Phát trúng thầu với giá 252,678 tỷ đồng (giá dự toán 300,037 tỷ đồng), thời gian thi công trong 448 ngày.
Nếu tính từ thời điểm ký hợp đồng thi công, tiến độ đã chậm gần 2 năm. Theo đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Chủ đầu tư), công tác thi công của nhà thầu gặp nhiều khó khăn, phụ thuộc nhiều vào tiến độ di dời hạ tầng kỹ thuật.
Một dự án hạ tầng trọng điểm khác của TP.HCM là tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) cũng bị chậm trễ do vướng thủ tục liên quan đến thẩm định, phê duyệt, thiết kế dự toán bồi thường di dời tái lập hệ thống cấp nước. Đây là tuyến metro dài hơn 11,3 km, gồm 1 ga trên cao, 9 ga ngầm và 1 depot với quy mô vốn 47.900 tỷ đồng, dự kiến khởi công trong năm 2023.
Thông tin đến phóng viên, Ban Quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM cho biết, sự chậm trễ trong việc điều chỉnh phê duyệt, thẩm định và thống nhất giải pháp đối với vấn đề chồng ranh đất rừng phòng hộ Cần Giờ khiến Dự án Đầu tư xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao ngành thủy sản đứng trước nguy cơ “đổ sông đổ bể”, lãng phí. Đây là dự án có quy mô 500 tỷ đồng, đã triển khai từ năm 2016 và dự kiến hoàn thành vào năm 2018. Tuy nhiên, khi thi công các gói thầu san lấp mặt bằng đã phát hiện có vi phạm hành lang an toàn rạch, đất rừng nên phải dừng lại. Vấn đề bất cập sau đó là dù Chủ đầu tư và cơ quan chủ quản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã gửi hàng chục văn bản, gõ cửa nhiều cơ quan, sở ngành để tìm hướng gỡ, thậm chí đề xuất trả lại đất rừng, điều chỉnh lại Dự án, nhưng đến nay Chủ đầu tư và UBND huyện Cần giờ vẫn “mỏi mòn” đợi ý kiến, thống nhất của Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường.
Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn 2 (sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới) cũng gặp khó với thủ tục liên quan đến thẩm định, điều chỉnh; đặc biệt là Gói thầu XL-02 có giá 307 triệu USD, ký hợp đồng gần 4 năm nhưng thời gian đợi thủ tục chiếm phần lớn. “Đây là dự án sử dụng công nghệ mới, có nhiều điều chỉnh, do đó, phụ thuộc rất nhiều vào các thủ tục thẩm định, phê duyệt điều chỉnh của nhiều cấp, ngành của Thành phố. Chủ tịch UBND TP.HCM đã thành lập Tổ công tác liên ngành nhằm đẩy nhanh tiến độ thủ tục nhưng vẫn chưa cải thiện nhiều. Dự án chậm triển khai do chậm thẩm định, điều chỉnh là rủi ro rất lớn về pháp lý với các nhà thầu quốc tế khi hợp đồng đã ký kết”, đại diện Chủ đầu tư chia sẻ.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, năm 2023, Thành phố được phân bổ 70.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, cao gấp 2 lần so với kế hoạch năm 2022. Áp lực giải ngân đầu tư công của TP.HCM năm 2023 là rất lớn. Do đó, lãnh đạo TP.HCM kiên quyết truy trách nhiệm từng cá nhân, tập thể, từng khâu liên quan đến quá trình giải ngân đầu tư công. Đặc biệt, khâu thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh dự án cần được đốc thúc quyết liệt hơn.