Nhiệm vụ quan trọng nhất của TP.HCM trong giai đoạn hiện nay là đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công. Ảnh: Lê Tiên |
Đây đều là những dự án có vai trò quan trọng trong việc cải thiện mạng lưới giao thông đang quá tải, xuống cấp để tăng tính kết nối, đồng bộ giữa các khu vực nội thành cũng như giữa TP.HCM và các khu vực lân cận. Tuy nhiên, đa số các dự án này đều bị vướng và chậm triển khai rất nhiều năm.
Hàng chục ngàn tỷ đồng đầu tư mạng lưới giao thông
Đầu tiên là Dự án Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài có chiều dài 53,5 km, 4 làn xe tiêu chuẩn đoạn tuyến từ Vành đai 3 TP.HCM đến huyện Trảng Bàng, Tây Ninh. Dự án có tổng mức đầu tư 10.688 tỷ đồng, thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT, có sự hỗ trợ từ Nhà nước (gồm vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước và vốn vay ODA). Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM, Dự án khi được đưa vào hoạt động sẽ xóa thế độc đạo của Quốc lộ 22, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của 2 địa phương, mở rộng giao thương giữa TP.HCM với các nước trong khu vực.
Một dự án khác được TP.HCM đốc thúc triển khai là Dự án Đầu tư xây dựng nút giao thông An Phú (giai đoạn 1). Dự án có quy mô gần 1.100 tỷ đồng, triển khai tại điểm đầu của đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và là điểm cuối của đường Lương Định Của giao cắt với đại lộ Đông - Tây (nay là Mai Chí Thọ), hiện là “điểm đen” giao thông của Thành phố, ùn tắc ngày càng nghiêm trọng.
Dự án đường Vành đai 2 được quy hoạch từ năm 2007 với tổng vốn đầu tư 4 đoạn là 12.540 tỷ đồng. Dự án này được UBND TP.HCM giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông nghiên cứu lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư công (theo hướng ngân sách nhà nước đảm nhận phần giải phóng mặt bằng và kêu gọi đầu tư phần xây lắp) đối với đoạn 1, 2 và 4. Hiện đường Vành đai 2 vẫn còn 14 km chưa được khép kín, được chia thành 3 đoạn tương ứng với 3 dự án, gồm: Đoạn 1 từ ngã ba An Lạc (quận Bình Tân) đến đường Nguyễn Văn Linh (huyện Nhà Bè), đoạn 2 từ cầu Phú Hữu (Quận 9) đến xa lộ Hà Nội và đoạn 4 từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức). Riêng đoạn 3 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (quận Thủ Đức) được khởi công từ cuối năm 2017 và đang thi công. Dự án chưa hoàn thiện là một trong những nguyên nhân chính khiến TP.HCM ùn trong, tắc ngoài ngày càng nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, nhiều đại dự án hạ tầng giao thông khác sử dụng vốn đầu tư công cũng dự kiến được đầu tư. Đó là các dự án mở rộng cửa ngõ Thành phố như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 50, Quốc lộ 22 (tổng mức đầu tư hơn 9.500 tỷ đồng), Dự án Đầu tư xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái (hơn 1.000 tỷ đồng), Dự án Mở rộng Quốc lộ 13, Dự án Xây dựng cầu Bình Triệu 2; Dự án Xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa; Dự án Cải tạo rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật)…
Đa số là dự án “hóc búa”
Mặc dù là những dự án cấp bách đối với sự phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM, nhưng mỗi dự án đều có những khó khăn, bất cập riêng, kéo dài trong nhiều năm và thậm chí đã đổi cơ quan có thẩm quyền nhiều lần.
Đơn cử như Dự án Đầu tư xây dựng nút giao thông An Phú. Đã hơn 2 năm kể từ thời điểm Bộ GTVT giao Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, đến nay, Dự án vẫn chưa có chuyển động, do kinh phí cho Dự án phụ thuộc vào hiệp định vay vốn Dự án cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Bộ GTVT nhận định, sử dụng vốn dư của hiệp định này để sắp xếp cho Dự án nút giao thông An Phú là hoàn toàn thiếu khả thi. Do đó, TP.HCM đã đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (cơ quan chủ quản của VEC) xem xét, khẳng định có đủ khả năng sắp xếp vốn để TP.HCM chủ động triển khai đầu tư Dự án hay không.
Hay Dự án đường Vành đai 2 kéo dài hơn 13 năm do 3 đoạn còn lại của Dự án hiện đang ngổn ngang. Dự án cầu đường Nguyễn Khoái - cây cầu thứ 2 bắc qua kênh Tẻ - dự kiến khởi công từ năm 2017, đến nay vẫn chưa thể triển khai do điều chỉnh quy hoạch, thiết kế, dự toán…
Theo Sở GTVT TP.HCM, dù các dự án có rất nhiều vướng mắc và khó khăn khi triển khai nhưng nhiệm vụ quan trọng nhất của TP.HCM trong giai đoạn hiện nay là ưu tiên đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công. Do đó, khi đã được thông qua chủ trương đầu tư, các thủ tục như trình, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức đấu thầu… sẽ được tăng cường cả về chất lượng lẫn tiến độ để tìm được các đơn vị thi công đủ năng lực.