“Trái ngọt” hiệu quả ngân hàng và những thách thức mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - 2 năm qua, vừa chống dịch, vừa kinh doanh, vừa thực thi trách nhiệm xã hội, nhưng điểm khác biệt của ngành ngân hàng so với các ngành kinh tế khác là ghi nhận hiệu quả hoạt động vượt trội. “Chìa khóa” đạt kết quả cao đến từ những nỗ lực hiện đại hóa và phát triển hệ thống công nghệ, giúp người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng…
Nhiều ngân hàng ghi nhận tăng trưởng hai con số trong nửa đầu năm 2022.
Nhiều ngân hàng ghi nhận tăng trưởng hai con số trong nửa đầu năm 2022.

Số liệu tổng hợp của FiinGroup cho thấy, lợi nhuận ròng của 27 ngân hàng trong năm 2021 - năm dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất - tăng trưởng 33,3% so với năm 2020 trong khi tổng thu nhập hoạt động tăng 23,9%. Trong đó, lãi thuần từ dịch vụ tăng trưởng cao nhất (33,6%), thu nhập lãi thuần và lãi thuần từ các hoạt động còn lại tăng lần lượt 24,6% và 23,9%.

Nửa đầu năm 2022, nhiều ngân hàng tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng tích cực. Đơn cử như Techcombank ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng trưởng gần 24% lên 11.494 tỷ đồng, VPBank tăng trưởng gần 70% lên 12.179 tỷ đồng, Vietcombank tăng trưởng gần 28% đạt 13.909 tỷ đồng lãi sau thuế…

“Trái ngọt” từ chuyển đổi số

Quá trình chuyển đổi số đã đem đến “trái ngọt”, đóng góp lớn cho hiệu quả hoạt động của ngành ngân hàng. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến căng thẳng, hạn chế tiếp xúc, các giao dịch điện tử không tiếp xúc như mobile payment, mobile banking đã phát huy tác dụng.

Nếu như cách đây 5 năm có khoảng 50.000 giao dịch ngân hàng một ngày thì hiện con số này đã lên tới 8 triệu giao dịch. Giá trị giao dịch bình quân đạt 900.000 tỷ đồng/ngày, tương đương với hơn 40 tỷ USD giao dịch qua ngân hàng. Tính đến tháng 6/2022, có tới 68% số người trưởng thành tại Việt Nam mở tài khoản với hơn 114 triệu tài khoản ở các ngân hàng khác nhau, trong đó khách hàng trong độ tuổi 25 - 34 chiếm tỷ trọng lớn.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, ngành ngân hàng bước đầu đã đầu tư 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số. Một số ngân hàng đi đầu như VPBank, Techcombank, MB, HDBank… đã thu được kết quả rất đáng khích lệ. Đó là tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) lên đến 40 - 50%, góp phần tăng lợi nhuận cho ngân hàng. “Có những lúc người ta chưa hiểu tại sao lợi nhuận ngân hàng cao đến thế, nhiều như vậy trong bối cảnh dịch bệnh. Với CASA lên đến 40 - 50% thì hệ số rất lớn, góp phần nâng tỷ lệ lợi nhuận và người dân cũng được hưởng lợi”, ông Hùng lý giải.

Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng ghi nhận chỉ số CIR (tỷ lệ chi phí trên thu nhập) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang nỗ lực hướng tới. Về cơ bản, CIR càng thấp thì càng cho thấy ngân hàng hoạt động hiệu quả, do tốn ít chi phí hoạt động hơn để tạo ra một đồng doanh thu.

Trong báo cáo mới đây của VPBank, chỉ số CIR nửa đầu năm 2022 chỉ còn 20,6%, nằm trong top thấp nhất thị trường hiện nay. Chỉ số này tại BIDV là 27,7%; VietinBank là 27%; SHB hơn 20%... Và chuyển đổi số chính là một trong những chìa khóa quyết định giúp giảm chỉ số này cho các ngân hàng.

Ngành ngân hàng bước đầu đã đầu tư 15.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển đổi số. Một số ngân hàng đi đầu như VPBank, Techcombank, MB, HDBank… đã thu được kết quả rất đáng khích lệ. Đó là tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) lên đến 40 - 50%, góp phần tăng lợi nhuận cho ngân hàng.

Những thách thức mới

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến 20/9/2022, tăng trưởng tín dụng ở mức 10,54% (cùng kỳ năm 2021 tăng 7,17%), gấp 2,6 lần so với mức tăng trưởng huy động vốn 4,04% của các tổ chức tín dụng (cùng kỳ năm 2021 tăng 4,28%). Giới phân tích lý giải, đây là một trong những nguyên nhân khiến cho lãi suất huy động tăng nhanh hơn so với lãi suất cho vay thời gian gần đây. Qua đó, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động (biên lãi ròng - NIM) của các ngân hàng sẽ chịu áp lực trong thời gian tới.

Trong góc nhìn lạc quan, Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) nhận định, lãi suất huy động đang tăng lên, tuy nhiên các ngân hàng sẽ kiểm soát tốt chi phí vốn nhờ tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn cao như Techcombank (47,5%), MBank (44,3%), Vietcombank (36,5%) và MSB (34,4%)… ACBS dự báo, áp lực trích lập dự phòng năm nay sẽ giảm đáng kể so với năm 2021. Nhiều ngân hàng lớn đã trích lập 100% cho các khoản nợ tái cơ cấu như Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB, Techcombank, ACB, Sacombank... Do đó, áp lực trích lập dự phòng cho các khoản nợ tái cơ cấu sẽ là không đáng kể.

Tuy nhiên, nếu việc kiểm soát chi phí và trích lập dự phòng nằm trong tầm kiểm soát của từng tổ chức tín dụng, thì thách thức lớn nhất - kinh tế thế giới trên bờ vực suy thoái - lại nằm ngoài khả năng quản trị của các nhà băng.

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva vừa dự báo, nhiều quốc gia sẽ rơi vào suy thoái kỹ thuật trong năm nay và năm sau trước làn sóng thắt chặt chính sách tiền tệ toàn cầu. Theo đó, kinh tế thế giới có thể mất 4.000 tỷ USD từ nay tới năm 2026. “Con số này tương đương với GDP của Đức và là một bước lùi lớn của nền kinh tế toàn cầu”, bà cho biết.

Lo ngại trước khả năng suy thoái của kinh tế thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm 6 tuần liên tiếp, với mức giảm trên 30% so với đầu năm 2022. Với tính chất hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, nếu kinh tế thế giới rơi vào suy thoái, bức tranh tăng trưởng của kinh tế Việt Nam sẽ phải chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Ngành ngân hàng, vốn được coi là “huyết mạch” của nền kinh tế, đang và sẽ phải đối mặt với những thách thức mới và khó kiểm soát, đòi hỏi phải tiếp tục tìm kiếm các giải pháp để trụ vững, sau quá trình xác lập mức tăng trưởng vượt trội nhờ nỗ lực chuyển đổi số vừa qua.

Tin cùng chuyên mục