Trăn trở của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trong ngày làm việc cuối

“Năng suất của doanh nghiệp tư nhân hiện nay kém hơn so với các doanh nghiệp khác. Tôi sẽ thôi nên trăn trở bàn giao”, Bộ trưởng Vinh nói khi thảo luận về Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hôm qua (6/4).
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh.

Ngày 6/4, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã có buổi làm việc với Ban soạn thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Tổ công tác thi hành Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư. Ngày mai (7/4), Quốc hội sẽ họp và ngày 8/4, chính thức bãi nhiệm Chính phủ. Do đó, hôm qua (6/4), được coi là ngày làm việc cuối cùng của Bộ trưởng Vinh.

Tại phiên làm việc buổi sáng với Ban soạn thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói: “Việc thành lập một ban soạn thảo Luật hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) chậm vì các bộ không trả lời. Luật khó vì xuyên ngang các luật khác, như thuế lại đụng chạm đến luật thuế, quỹ đầu tư mạo hiểm, lãi suất lại đụng chạm ngân hàng… Nếu không thì sẽ chỉ là lời hiệu triệu thôi”.

“Năng suất của doanh nghiệp tư nhân hiện nay kém hơn so với các doanh nghiệp khác. Tôi sẽ thôi nên trăn trở bàn giao”, ông nói.

Trước trăn trở của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, ông Kiều Đình Thụ, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói: "Thông cảm các Bộ, ngành là họp nhiều quá, không đủ người để họp. Anh Vinh làm Bộ trưởng phát triển thể chế rất ấn tượng với nhiều đạo luật như Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư. Hiện chưa xong Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng kiên quyết trình Chính phủ, không lùi nữa do thời gian rất gấp rồi".

Tại buổi họp, nói về tầm quan trọng của phát triển khối doanh nghiệp, Bộ trưởng Vinh cho rằng, một trong những động lực lớn nhất của nền kinh tế là doanh nghiệp và trọng tâm chính là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, vấn đề phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa là vấn đề quan trọng, đặc biệt trong thời điểm hiện nay.

“Luật ban hành cần phải quan tâm tới chất lượng và số lượng nhằm mục tiêu quan trọng là thành lập mới 2 triệu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần tạo ra nhận thức xã hội, phong trào khởi nghiệp mạnh mẽ. Vượt qua được cái dốc của tăng trưởng hay là tụt xuống? Ai nuôi dưỡng bộ máy? Nền kinh tế tự chủ do ai tạo ra?. Chính là các doanh nghiệp trong nước. Nên chúng ta cần phải làm rõ nhận thức này. Đây cũng chính là rào cản cần phải vượt qua”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về các ưu đãi dành cho doanh nghiệp, người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra rằng: “Với đối tượng khởi nghiệp họ cần chuỗi liên kết nếu không thì không thành lập được doanh nghiệp. Với doanh nghiệp hiện có cần rà soát xem lọc những cái gì? Sản xuất chế tạo là cần thiết. Dịch vụ quan trọng nhưng nếu chỉ say sưa thì lo ngại. Cũng cần xoá bỏ tư tưởng chộp giật. Buồn nhất là sau Tết nhiều doanh nghiệp đi cầu, cầu cho không phải làm gì mà vẫn được ăn”.

Đồng quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận: “Câu chuyện doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có từ 15 - 20 năm nay. Ta có nhiều chính sách nhưng chưa đi vào cuộc sống. Cơ quan địa phương thì định kiến cho rằng doanh nghiệp buôn gian bán lận hoặc có tiền nên luôn doạ nạt, bắt nạt. Người dân thì luôn khuyên con không nên làm khởi nghiệp nếu không có nghề, có nghiệp, có vốn, có quan hệ…”.

Theo đó, theo Thứ trưởng Dũng, phải cải cách, dấy lên làn sóng bênh vực, bảo vệ, hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, do khả năng tiếp cận công nghệ hiện nay của các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn rất thấp nên Nhà nước cần hỗ trợ công nghệ cho doanh nghiệp bằng các chính sách cụ thể.

"Cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp là cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương, các ngành các cấp, các hiệp hội. Cần có điểm rõ hơn tại điều kiện thi hành, có chế tài xử phạt cơ quan, tổ chức nhũng nhiễu doanh nghiệp”, Thứ trưởng nêu quan điểm.

Cùng ngày, buổi chiều, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng đã có phiên làm việc cuối cùng với Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư trên cương vị Tổ trưởng tổ này. Ông thống nhất với các ý kiến thành viên của Tổ là Chính phủ mới cần đẩy mạnh việc xoá bỏ các rào cản hạn chế quyền tự do kinh doanh mà tinh thần của 2 luật rất quan trọng về kinh tế này hướng tới; quyết liệt hạn chế các bộ, ngành ban hành các điều kiện kinh doanh trái Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, xoá bỏ các "giấy phép con"...để môi trường kinh doanh ở Việt Nam ngày càng được tự do, cạnh tranh, thúc đẩy đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

Ông bắt tay từ biệt từng thành viên trong Tổ công tác và mong họ tiếp tục cố gắng, phấn đấu để Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư được triển khai, đi vào cuộc sống hiệu quả.