Nên định kỳ đánh giá để kịp thời gỡ vướng
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM
Luật Đấu thầu (sửa đổi) cũng như Nghị định số 24/2024/NĐ-CP đã tháo gỡ rất nhiều vướng mắc trong việc mua sắm của các cơ sở y tế công. Tuy nhiên, Bộ Y tế cần sớm có thông tư hướng dẫn về phân nhóm các loại thuốc, vật tư, trang thiết bị. Đặc biệt, thông tư cần nêu rõ đâu là hạng mục dành cho các cơ sở y tế, khám chữa bệnh chủ động đấu thầu mua sắm; đâu là những mặt hàng thuộc diện đấu thầu tập trung cấp tỉnh, cấp trung ương. Trên thực tế, nhiều đơn vị sự nghiệp công lập vẫn chưa triển khai đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế vì chưa có thông tư hướng dẫn. Các thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế nếu sớm được ban hành sẽ tạo khung pháp lý hoàn chỉnh cùng với Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Nghị định số 24/2024/NĐ-CP tháo gỡ ách tắc, khơi thông thị trường mua sắm.
Từ năm 2023, Bệnh viện Mắt TP.HCM đã tiến hành đấu thầu qua mạng hàng loạt gói thầu mua sắm thủy tinh thể có giá trị lớn. Tuy nhiên, do lĩnh vực đấu thầu mua thuốc, vật tư y tế rất rộng với hàng nghìn mặt hàng, lại có yếu tố liên tục, Bệnh viện mong muốn Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Y tế thường xuyên sơ kết, đánh giá để nhận diện khó khăn, vướng mắc và hướng dẫn gỡ vướng kịp thời.
Khắc phục triệt để tình trạng thiếu thiết bị, vật tư cho các cơ sở y tế địa phương
Ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai
Trong thời gian qua, công tác đấu thầu mua thuốc, vật tư, thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do một số quy định còn bất cập, chưa phù hợp với thực tế. Đơn cử, đối với công tác đấu thầu thuốc, kết quả lựa chọn nhà thầu đối với danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia và đàm phán giá được phê duyệt chưa đúng với tiến độ dự kiến, dẫn đến các cơ sở y tế gặp rất nhiều khó khăn trong việc dự trù, mua sắm, tổ chức đấu thầu. Đặc biệt, số lượng thuốc thuộc danh mục được áp dụng hình thức đàm phán giá có kết quả đàm phán giá còn ít so với danh mục được quy định.
Đối với công tác đấu thầu vật tư tiêu hao, thiết bị y tế, trước năm 2023, việc xây dựng giá kế hoạch các gói thầu bắt buộc phải tham khảo 3 báo giá của các nhà cung cấp trên thị trường và quy định hiệu lực tối đa của bảng báo giá không quá 90 ngày..., nên gây khó khăn lớn cho việc xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Thực tế, nhiều thiết bị y tế chỉ có 1 nhà sản xuất và nhập khẩu trên thị trường dẫn đến nhiều mặt hàng không thể thực hiện đấu thầu.
Để tháo gỡ khó khăn, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 144/NQ-CP về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, Nghị quyết số 30/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 14/2023/TT-BYT ngày 30/6/2023 hướng dẫn thực hiện việc xây dựng giá kế hoạch các gói thầu phù hợp với thực tế. Đặc biệt, Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 và Nghị định số 24/2024/NĐ-CP có hiệu lực đã tạo điều kiện cho việc tổ chức đấu thầu nói chung và đấu thầu thuốc, thiết bị y tế nói riêng được thực hiện thuận tiện, nhanh chóng, đảm bảo công khai, minh bạch. Một số quy định mới như: "tối thiểu 1 báo giá của hàng hóa, dịch vụ”, “hồ sơ mời thầu được nêu xuất xứ theo nhóm nước, vùng lãnh thổ”, “đấu thầu vật tư, linh kiện để sửa chữa thiết bị y tế”… góp phần giúp các cơ sở y tế mua sắm được vật tư, trang thiết bị tốt, nhanh chóng khắc phục tình trạng trang thiết bị hư hỏng, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh.
“Tháo vòng kim cô” giá thấp cho đấu thầu mua thiết bị y tế
Ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long
Nghị quyết số 30/NQ-CP về tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế, Thông tư số 14/2023/TT-BYT hướng dẫn xây dựng giá kế hoạch các gói thầu phù hợp với thực tế được ban hành đã “cởi trói” cho các bệnh viện công lập, đặc biệt là yếu tố giá.
Gói thầu Mua sắm hàng hóa, thiết bị số 1 thuộc Dự án Đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long có thể xem là gói thầu đầu tiên Bệnh viện thực hiện theo các hướng dẫn mới này. Chủ đầu tư đã ký hợp đồng với công ty thẩm định giá để tư vấn định giá cho các thiết bị của Gói thầu, giá của tất cả các thiết bị thuộc Gói thầu đều thấp hơn giá niêm yết/kê khai trên cổng thông tin của Bộ Y tế. Một số thiết bị như hệ thống nội soi mật tụy ngược dòng (Nhật, Ep-6000+ED-580XT, Fujifilm), máy hấp nhiệt độ thấp (Mexico, VPRO MAX 2, STERIS – Mỹ), máy rửa màng lọc thận, đèn điều trị vàng da đều là những thiết bị có năm sản xuất mới nhất, cấu hình cao, thông số vượt trội. Quá trình bàn giao, vận hành, sử dụng các thiết bị này được đánh giá tốt, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân Vĩnh Long.
Sắp tới, Dự án Đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác chuyên môn giai đoạn 2 với kinh phí gần 300 tỷ đồng gồm 88 danh mục thiết bị (trong đó có các thiết bị chi phí lớn như hệ thống xạ trị) sẽ được Bệnh viện mời thầu. Khi tổ chức lựa chọn nhà thầu, thông qua hành lang pháp lý là Luật Đấu thầu (sửa đổi), Nghị định số 24/2024/NĐ-CP cũng như các thông tư hướng dẫn mua sắm thiết bị do Bộ Y tế ban hành, Hội đồng chuyên môn của Bệnh viện với 30 thành viên sẵn sàng tham mưu để Chủ đầu tư ưu tiên lựa chọn các thiết bị tốt phục vụ cho người bệnh.
Minh bạch trong xây dựng giá, tăng trợ lực cho doanh nghiệp Việt
Ông Hứa Phú Doãn, Phó Chủ tịch Hội Thiết bị y tế TP.HCM
Luật Đấu thầu 2023, Thông tư số 01/2024/TT-BKHĐT, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP với nhiều điểm mới, cởi mở đã mở ra cơ hội cho doanh nghiệp trong lĩnh vực cung cấp hóa chất, vật tư, thiết bị y tế. Đầu tiên là các cơ chế thông thoáng khi lựa chọn nhà thầu trong trường hợp khẩn cấp, đặc biệt, cho phép thương thảo mua thêm. Tiếp theo là các ưu đãi dành cho doanh nghiệp Việt Nam (hàng Việt, DN nhỏ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo…), cơ chế tùy chọn giá cao nhất với sự tham gia của hội đồng chuyên môn. Thực tế, việc minh bạch trong xây dựng giá là quan trọng hàng đầu. Đây là trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị tư vấn cũng như thẩm định giá. Làm tốt khâu này sẽ giảm thiểu rủi ro về sau. Nếu giá dự toán không được lập minh bạch, yếu tố cạnh tranh đã bị triệt tiêu từ đầu. Với việc trao quyền cho chủ đầu tư ưu tiên thiết bị công nghệ tiên tiến nhất, phát huy hiệu quả đầu tư, tôi tin rằng khâu xây dựng giá sẽ được siết chặt từ đầu.
Bên cạnh đó, thẳng thắn nhìn nhận, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam trong lĩnh vực thiết bị y tế còn thấp. Hiện nay, các doanh nghiệp mới cung cấp được một số dụng cụ y tế như giường, xe đẩy. Vật tư thiết bị kỹ thuật cao đến nay chỉ có nhà máy sản xuất stent. Do đó, bên cạnh khung pháp lý đấu thầu cởi mở, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần đột phá hơn, trọng tâm hơn, trợ lực cho các doanh nghiệp tham gia sâu vào việc cung ứng vật tư, thiết bị y tế.