Nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2016 là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Ảnh: Lê Tiên |
Triển khai đồng bộ các quy định pháp luật về đầu tư, kinh doanh
Theo Nghị quyết 01 của Chính phủ vừa ban hành thì một trong những giải pháp chính được tập trung thực hiện nhằm tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh chính là việc đẩy mạnh triển khai hệ thống luật sửa đổi theo hướng tạo động lực cho tăng trưởng và sản xuất.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, thực hiện giải pháp này, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành hữu quan và cơ quan quản lý, các địa phương để triển khai một cách đồng bộ quy định của các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh, đặc biệt là Luật Đầu tư 2014 và Luật Doanh nghiệp 2014. Trọng tâm triển khai năm nay sẽ tập trung vào việc tăng cường công tác phổ biến, hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo thực hiện đầy đủ, nhất quán các quy định của pháp luật như chỉ đạo của Chính phủ.
“Bộ KH&ĐT đã và đang phối hợp với các bộ, ngành khẩn trương rà soát, đánh giá quy định của pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung theo tinh thần cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đồng thời tiếp tục rà soát, đánh giá tính hợp lý, hiệu quả của các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh và thẩm quyền ban hành văn bản quy định về vấn đề này để kiến nghị bãi bỏ hoặc sửa đổi theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP. Mục tiêu nhằm bảo đảm thực hiện các quy định về kiểm soát các điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp”, đại diện Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.
Việc hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan cũng sẽ được đẩy nhanh để bảo đảm tính thống nhất với quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, góp phần tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho DN và cơ quan quản lý trong việc triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, theo Bộ KH&ĐT, đẩy mạnh triển khai các nhóm giải pháp, chương trình hành động nhằm tạo điều kiện phát triển khu vực DN nhỏ và vừa, hỗ trợ DN sáng tạo khởi nghiệp cũng là nội dung trọng tâm trong năm nay.
Đẩy mạnh cải cách hành chính thuế, hải quan
Cũng trong nỗ lực tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN trong sản xuất, kinh doanh, Bộ Tài chính khẳng định sẽ tập trung thực hiện các chính sách thuế đối với sản xuất, kinh doanh bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu, thu thuế DN. Đặc biệt, tiếp tục rà soát quy trình để tháo gỡ vướng mắc phát sinh đối với DN trong thực hiện chính sách thuế, thủ tục hải quan, đồng thời hướng tới tiếp tục đơn giản hóa và giảm bớt thời gian quy trình thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN.
Cụ thể hóa mục tiêu này, Bộ Tài chính cho biết sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính một cách hiệu quả theo hướng đơn giản hóa, kiểm soát chặt thủ tục mới ban hành; tập trung rà soát chuẩn hóa và kịp thời công bố, công khai thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý, tổ chức triển khai các đề án Hiện đại hóa Hệ thống hải quan điện tử VNACCS/VCIS, cơ chế hải quan một cửa quốc gia, một cửa ASEAN, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, thực hiện kê khai, nộp thuế điện tử, hoàn thiện hệ thống TABMIS nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong thực hiện thủ tục thuế và hải quan.
Đẩy mạnh tái cơ cấu 3 trụ cột
Mục tiêu đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế tiếp tục tập trung vào 3 lĩnh vực trọng điểm là đầu tư công, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng. Theo chỉ đạo của Chính phủ, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tiếp tục hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các đề án cơ cấu lại ngành, lĩnh vực và của địa phương chậm nhất là cuối quý II/2016 và báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện trong quý III/2016.
Về tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, tập trung kiểm soát chặt chẽ hiệu quả đầu tư và những tác động đến kinh tế vĩ mô của vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và các khoản vốn vay khác của Nhà nước; khuyến khích huy động nguồn vốn từ các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để bổ sung nguồn vốn của Nhà nước đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội bằng các hình thức đầu tư hợp tác công tư (PPP), đầu tư trực tiếp nước ngoài, liên doanh, liên kết...
Về tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng nhằm cải thiện và nâng cao năng lực tài chính, hiệu quả hoạt động của bộ máy kiểm soát, kiểm toán nội bộ; tập trung xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém, cho phép áp dụng các biện pháp mạnh bao gồm cả biện pháp can thiệp của Nhà nước. Đồng thời, tăng cường kiểm soát và xử lý hiệu quả các vấn đề về sở hữu chéo, cổ đông lớn chi phối; đẩy mạnh thoái vốn đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro, kém hiệu quả, đặc biệt các ngành, lĩnh vực phi tài chính.