Triển khai nhanh hơn giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó do Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -Báo cáo tổng hợp về tình hình triển khai, thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) trong thời gian qua (Nghị quyết số 105/NQ-CP) tại Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp (DN) và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ DN trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra sáng nay 26/9, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, về cơ bản, những vấn đề khó khăn mà DN đang phải đối mặt đã và đang được xem xét, giải quyết.

Trong bối cảnh các DN đang tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trước sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt phong tỏa, giãn cách liên tiếp và nghiêm ngặt, trong hơn 1 tháng qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Đồng thời, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm lắng nghe, chia sẻ với cộng đồng DN, thể hiện bằng hàng loạt các cuộc hội nghị, đối thoại, gặp mặt.

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, việc thực hiện giảm tiền điện, giảm giá điện (đợt 5) cho khách hàng sử dụng điện đạt khoảng 650 tỷ, ước tính tổng giá trị 5 đợt hỗ trợ giảm giá điện là khoảng 16.950 tỷ đồng.

Gói hỗ trợ các dịch vụ viễn thông được áp dụng trong 3 tháng kể từ tháng 8/2021, ước tính sơ bộ kinh phí đã hỗ trợ khoảng 4 nghìn tỷ đồng.

Gói hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ thông qua vào ngày 24/9/2021, với tổng kinh phí hỗ trợ dự kiến 38 nghìn tỷ đồng cho khoảng 12,8 triệu lao động và 380 nghìn đơn vị được thực hiện giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Các chính sách liên quan đến giảm thuế thu nhập DN năm 2021; giảm mức thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ; miễn thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; miễn tiền chậm nộp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3 vừa qua. Đồng thời, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang xem xét ban hành chính sách giảm tiền thuê đất cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng. Ước tính giá trị các giải pháp hỗ trợ này là trên 22 nghìn tỷ đồng.

Về hỗ trợ tín dụng, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN ngày 7/9/2021 theo hướng mở rộng thời gian áp dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ đến 30/6/2022. Theo đó, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm tổng cộng khoảng 1,55%/năm so với trước dịch. Lũy kế từ ngày 23/01/2020 đến nay, tổng giá trị nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 215 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch là khoảng 520 nghìn tỷ đồng. Tổng số tiền lãi các tổ chức tín dụng miễn, giảm, hạ cho hơn 1,1 triệu khách hàng là khoảng 26 nghìn tỷ đồng.

Các chính sách, giải pháp khác nhằm cắt giảm chi phí cho DN như giảm tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành, giảm thời gian hoàn trả tiền kỹ quỹ du lịch, giảm giá dịch vụ hạ, cất cánh đối với chuyến bay nội địa; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không... đều đang được các bộ, ngành triển khai và dự kiến hoàn thành trong tháng 9/2021.

Việc điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ/tháng phù hợp với diễn biến dịch Covid-19 với điều kiện đảm bảo tổng số giờ làm thêm không quá 300 giờ/năm cũng đang được triển khai và dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành trong tháng 9/2021.

Về tạo điều kiện trong việc cấp, gia hạn, xác nhận giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phù hợp với bối cảnh mới theo quy định tại Nghị quyết 105/NQ-CP, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn các địa phương để triển khai nội dung này.

Các ứng dụng thông tin trong phòng, chống dịch Covid-19 đã được ban hành như: Sổ tay điện tử hướng dẫn ứng phó Covid -19; nền tảng QR quốc gia dùng chung, ứng dụng chính thức của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và nền tảng xét nghiệm dùng chung thống nhất đã hoàn thành và cung cấp cho các tỉnh và các bộ.

Việc hướng dẫn thực hiện thống nhất “luồng xanh” vận tải đường bộ và đường thuỷ toàn quốc, liên tỉnh, liên vùng đảm bảo vận chuyển hàng hóa an toàn, thông suốt cũng đang được Bộ Giao thông vận tải, các bộ liên quan và địa phương triển khai tích cực. Tính đến nay, giấy nhận diện phương tiện được cấp tự động trên phần mềm cho khoảng gần 600 nghìn xe.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các địa phương tiếp tục hướng dẫn tổ chức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng với diễn biến dịch bệnh ở địa phương và điều kiện thực tế của DN; tập trung tháo gỡ tình trạng ách tắc, đứt gãy chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hóa; tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa, hỗ trợ DN quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, nhất là các mặt hàng nông sản.

Bên cạnh các chính sách, giải pháp hỗ trợ cho DN được quy định tại Nghị quyết số 105/NQ-CP, các bộ, ngành và địa phương đã và đang tích cực triển khai các chính sách và giải pháp khác nhằm hỗ trợ DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa (DNNVV).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 về hỗ trợ các DNNVV theo hướng tăng mức hỗ trợ và cụ thể hóa các chính sách phù hợp với thực tế; đồng thời, đẩy mạnh nâng cấp và vận hành Hệ thống đào tạo trực tuyến e-learning, đã có hơn 20.000 lượt học tập, truy cập và trải nghiệm trên Hệ thống; triển khai Chương trình hỗ trợ DN chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, hiện nay đã có 10.000 DN tiếp cận, 350 DN được đánh giá mức độ sẵn sàng và 100 DN đang được hỗ trợ chuyên sâu.

Về hỗ trợ pháp lý cho DN, hiện nay Bộ Tư pháp đang tích cực triển khai Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho DNNVV giai đoạn 2021-2025 phù hợp với bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và đáp ứng nhu cầu hỗ trợ pháp lý của DN.

Các Tổ công tác đặc biệt Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và Tổ công tác về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư cũng đang được triển khai tích cực nhằm kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của DN. “Đây là các Tổ công tác đặc biệt, liên ngành do một Phó Thủ tướng làm Tổ trưởng và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ phó Thường trực. Nếu các DN có khó khăn, vướng mắc gì trong thực hiện các chính sách, giải pháp của Chính phủ hoặc những vấn đề mới phát sinh, đề nghị gửi trực tiếp đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là cơ quan thường trực của Tổ công tác, hoặc đường dây nóng đã được công bố để được xem xét, giải quyết theo thẩm quyền”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Theo ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cộng đồng DN đánh giá rất tích cực các nguyên tắc, giải pháp của Chính phủ tại Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. “Nguyện vọng chung các DN đều mong các giải pháp đề ra trong Nghị quyết nhanh chóng được triển khai thực hiện, kịp thời hỗ trợ DN trong thời điểm khó khăn này”, đại diện VCCI nêu.

Tin cùng chuyên mục