Triết lý “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong thời đại mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” là một triết lý đã có từ hàng nghìn năm trước và được vận dụng khá thành công qua nhiều xã hội, triều đại và con người khác nhau. Trong mỗi thời kỳ, hoàn cảnh, mỗi đất nước, mỗi con người lại vận dụng triết lý này một cách khác nhau. Tuy nhiên, tựu chung lại thì cái căn cốt, cơ bản là giống nhau.

Đó là kiên định, giữ vững những mục tiêu, lý tưởng cuối cùng cần đạt tới và đồng thời linh hoạt, ứng biến, sáng tạo với những phương pháp, phương thức, hình thức, cách thức, phương tiện và lực lượng tùy vào từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể để đạt được mục tiêu đã định.

Trong suốt cuộc đời mình, Bác Hồ luôn gần gũi với mọi tầng lớp nhân dân, lấy dân làm gốc, tất cả vì nhân dân, cho dân và của dân. Ảnh tư liệu

Trong suốt cuộc đời mình, Bác Hồ luôn gần gũi với mọi tầng lớp nhân dân, lấy dân làm gốc, tất cả vì nhân dân, cho dân và của dân. Ảnh tư liệu

Bác Hồ với triết lý “dĩ bất biến, ứng vạn biến”

Sinh thời, Bác Hồ đã vận dụng rất sáng tạo và thành công triết lý “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Vậy, trong điều kiện hiện nay, khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra nhanh chóng, trí tuệ thông minh, Internet vạn vật… đang len lỏi vào mọi mặt đời sống của con người, thì cần vận dụng triết lý “dĩ bất biến, ứng vạn biến” như thế nào trong điều hành để đưa đất nước trở nên giàu mạnh và phồn vinh.

PGS. TS. Lê Quốc Lý

PGS. TS. Lê Quốc Lý

Một trong những nền tảng cốt lõi nhất đối với mọi chế độ chính là dân. Do vậy “dân là gốc” là điều bất biến trong mọi thời đại, mọi đất nước, mọi chế độ. Cha ông ta đã từng nói “quan nhất thời, dân vạn đại”. Thực tế hàng ngàn, hàng vạn năm lịch sử nhân loại cho thấy chỉ có “thay quan”, không ở đâu và không ai có thể “thay dân”. Hơn nữa sức mạnh của Nhân dân là vô hạn, “đẩy thuyền cũng là dân và lật thuyền cũng là dân’’. Sức mạnh của Nhân dân một khi đoàn kết lại sẽ “cuốn phăng mọi bè lũ bán nước và mọi kẻ cướp nước”. Như vậy, điều cốt lõi, bất biến đầu tiên trong điều hành đất nước hiện nay chính là không được quên “dân là gốc”. Để làm được điều đó, phải luôn thấu hiểu và quán triệt nguyên tắc mọi việc làm, hành động đều vì dân, mọi lợi ích phải thuộc về Nhân dân. Chính vì lẽ đó, để có thể điều hành đất nước thành công, điều tiên quyết là phải hành động vì dân, cho dân, mọi thành quả thuộc về Nhân dân. Không ai có thể đứng trên Nhân dân, ngoài Nhân dân. Nhân dân sinh ra ta và ta sống trong Nhân dân. Chính quyền cũng từ dân mà ra và phục vụ Nhân dân là mục đích cốt lõi. Dân là gốc là điều bất biến, không chỉ đúng cho trước kia, mà cả cho hôm nay và mai sau. Để thành công, mọi nhà lãnh đạo, đảng viên và cán bộ trong bộ máy công quyền phải luôn luôn ghi nhớ “dân là gốc” một cách thực sự nhất. Cũng từ đó mà mọi cơ chế, chính sách được ban hành, mọi sự lãnh đạo, chỉ đạo phải nhằm đem lại lợi ích cao nhất cho Nhân dân.

Bác Hồ dành cả cuộc đời hoạt động cách mạng nhằm mục tiêu giải phóng cho Nhân dân khỏi kiếp nô lệ (tự do cho mọi đời nô lệ), đem lại ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân. Người luôn luôn mong muốn làm cho Nhân dân có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Tâm nguyện này luôn cháy bỏng trong Bác và hun đúc nên sức mạnh vô biên để Người dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi. Các anh hùng, liệt sỹ, các bậc tiền bối cách mạng đã “không tiếc máu xương” phấn đấu, hy sinh để cho Nhân dân được tự do, ấm no, hạnh phúc. Nhờ ý chí, quyết tâm hành động vì dân, cho dân mà cách mạng Việt Nam đã luôn luôn giành được sự ủng hộ, đồng hành của Nhân dân và giành được thắng lợi, kể cả trong những thì khắc hiểm nguy, khó khăn nhất.

Không chỉ hô hào, phải tăng năng suất lao động

Để Nhân dân được ấm no, tự do, hạnh phúc, không phải là thứ lý luận, công thức có sẵn cứ thế đem ra áp dụng là có thể đi đến thành công. Thực tế, mỗi quốc gia, địa phương, vùng miền và tổ chức đều có những nét đặc thù, với nhiều thuận lợi và nhiều khó khăn khác nhau, đòi hỏi người lãnh đạo phải biết ứng biến, vận dụng sáng tạo trên điều kiện sẵn có, tạo ra những chính sách, giải pháp riêng biệt để đạt được kết quả tốt nhất. Thế giới đổi thay nhanh chóng, khoa học, công nghệ phát triển không ngừng, nên đòi hỏi người lãnh đạo không thể máy móc theo lối cũ, đường xưa, càng không nên chỉ dựa vào những điều có sẵn mà không đổi mới, sáng tạo.

Luôn tâm niệm “dân là gốc”, tất cả vì dân, cho dân và của dân, người lãnh đạo sẽ có giải pháp sáng tạo, đúng đắn để điều hành đất nước, địa phương và tổ chức đạt được kết quả tốt nhất. Ở đâu dân còn đói, còn khổ là ở đó người lãnh đạo, người quản lý chưa hoàn thành nhiệm vụ. Bác Hồ đã dạy: “Chủ nghĩa xã hội là làm cho dân được ấm no, tự do, hạnh phúc”. Như vậy, ta có thể triển khai một cách thiên biến, vạn biến chính sách, giải pháp và bằng nhiều phương pháp, nhiều phương thức và bằng nhiều phương tiện, lực lượng khác nhau, miễn làm sao dân được ấm no, tự do, hạnh phúc thì đều là cách làm đúng đắn. Chỉ ở đâu Nhân dân được sống trong ấm no (đầy đủ về vật chất), được tự do, luôn cảm thấy hạnh phúc (đầy đủ về mặt tinh thần) thì ở đó công tác lãnh đạo, điều hành mới có thể nói là thành công.

Bác Hồ cũng đã dạy “lấy sức dân mà lo cho dân”. Đây là điều cốt lõi để công tác lãnh đạo, điều hành trong tình hình hiện nay đi đến thành công. Ở đâu người lãnh đạo biết dựa vào dân, “lấy sức dân mà lo cho dân” thì ở đó chắc chắn sẽ đạt được thành công. Chỉ có dựa vào dân mới đưa được cách mạng đến thắng lợi. Trong kháng chiến, dân sáng tạo ra giáo mác, chông gai, nuôi ong và nhiều cách thức đánh giặc chưa từng có trong lịch sử, trong sách vở. Trong hòa bình, người dân đã tạo ra các công cụ lao động, phương tiện lao động khác nhau, các cây, con giống năng suất cao cũng như nhiều cách thức sản xuất, kinh doanh hiệu quả cao. Hàng trăm ngàn doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể đã và đang tạo ra việc làm cho người dân, sản xuất ra một khối lượng hàng hóa to lớn cho xã hội, góp phần không nhỏ làm cho nền kinh tế Việt Nam ngày một lớn mạnh. Mục tiêu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đây chính là điều căn cốt nhất trong mục tiêu, lý tưởng chúng ta phấn đấu và hành động.

V.I. Lênin đã nói “Chủ nghĩa xã hội thắng chủ nghĩa tư bản ở năng suất lao động”. Năng suất lao động cao là thước đo sự giàu có của các quốc gia. Để đạt được mục tiêu trên, phải phát triển bằng mọi cách, mọi biện pháp, mọi phương thức, mọi hình thức và bằng mọi phương tiện. Nhưng thực tế, năng suất lao động của Việt Nam còn thấp, mới bằng khoảng 1/14 của Singapore. Như vậy, hôm nay không thể chỉ hô hào mà phải hành động. Người lãnh đạo, điều hành đất nước phải triệt để vận dụng “ứng vạn biến”, đưa khoa học, công nghệ vào mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội để đạt được năng suất lao động cao, đặc biệt là phải phát triển mạnh mẽ nền kinh tế số, xã hội số. Điều này không thể đạt được chỉ bằng sự giáo điều và sách vở.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ các cán bộ Mặt trận cơ sở tiêu biểu. Ảnh: Đăng Khoa

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ các cán bộ Mặt trận cơ sở tiêu biểu. Ảnh: Đăng Khoa

Thành công hay thất bại, thực chất ở 2 chữ “lòng dân”

Kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội cũng chính là giữ vững mục tiêu bất biến mà Đảng và Bác Hồ đã chọn. Điều này luôn luôn gắn kết chặt chẽ với điều bất biến “dân là gốc”. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội cũng chính là vì Nhân dân, cho Nhân dân, của Nhân dân. Chỉ có lấy “dân là gốc” mới có thể có độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Lấy “dân là gốc” và kiên định “độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” tưởng là 2 nhưng thực chất là 1. Hai phạm trù này gắn quyện vào nhau, bổ sung và định hình nên mục tiêu, lý tưởng, chân giá trị và là con đường chúng ta đi. Không phải ngẫu nhiên dưới tên đất nước “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” có sáu chữ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”. Đây chính là mục tiêu, lý tưởng, chân giá trị và con đường Đảng và Bác đã chọn. Độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân. Đây là giá trị vĩnh cửu chúng ta hướng tới và quyết tâm thực hiện bằng được.

Điều bất biến tiếp theo trong điều hành đất nước trong điều kiện hiện nay chính là “lòng dân”. Đã đến lúc những người lãnh đạo, quản lý đất nước, địa phương và các tổ chức cần thấu triệt tinh thần dựa vào dân và làm việc theo “lòng dân”. Bác Hồ đã chỉ rõ, phải làm cho dân nói và biết lắng nghe dân nói. Không thể lãnh đạo, điều hành đất nước đến thành công nếu lòng dân không yên và thiếu niềm tin từ nhân dân. Một khi dân tin, lòng dân thuận thì sẽ kết thành một khối thống nhất tạo nên sức mạnh to lớn, thế trận lòng dân vững chắc thì việc khó đến mấy cũng có thể hoàn thành. Lịch sử ngàn đời nay đã cho thấy một điều “ở đâu dân đồng lòng, đoàn kết toàn dân thì ở đó có chiến thắng, có thành công”. Lòng dân là sức mạnh to lớn có thể tạo nên chuyển biến đột phá, đưa đất nước ngày một giàu mạnh.

Hơn 600 năm trước, khi Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, muốn xây dựng đất nước trở nên hùng cường nhưng không được lòng dân, nên đã thất bại trước sự xâm lăng của giặc Minh. Con trai Hồ Quý Ly là Hồ Nguyên Trừng đã nói: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”. Các triều đại làm nên lịch sử đều có một điểm chung là họ được “lòng dân”. Trải qua hàng ngàn, hàng vạn năm lịch sử, gốc rễ của mọi thành công và thất bại thực chất ở hai chữ “lòng dân”.

Để điều hành đất nước thành công trong điều kiện hiện nay theo triết lý “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, phải dựa vào điều bất biến đặc biệt quan trọng là “lòng dân”. Các nhà lãnh đạo, quản lý cần đổi mới, sáng tạo để có những chính sách, giải pháp hợp lòng dân, làm cái mà dân muốn, dân mong. Điều cốt lõi hôm nay chính là khơi dậy khát vọng của người dân vượt khó vươn lên, làm giàu cho mình và cho đất nước. Đất nước phát triển, ngày một trở nên giàu mạnh, trở nên đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, mọi người ai cũng được ấm no, tự do, hạnh phúc và không ai bị bỏ lại phía sau chắc chắn là điều người dân mong muốn nhất.

Với tinh thần yêu nước nồng nàn, nhân dân Việt Nam luôn mong muốn hòa bình, mong muốn đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu. Lợi ích quốc gia, dân tộc là điều mọi người dân đều mong muốn vun đắp và giữ gìn. Dù vạn biến thế nào cho thành công nhưng không ai có thể quên lợi ích quốc gia, dân tộc. Đây là điều bất biến trong lòng dân bất biến. Để đất nước giàu mạnh, phải đẩy mạnh mở cửa, hội nhập, hợp tác nhưng không để lợi ích quốc gia, dân tộc bị xâm hại. Chúng ta là bạn với tất cả, không chọn nhóm, chọn phe mà chỉ chọn chính nghĩa, chọn lẽ phải là đường lối đối ngoại sáng suốt của Đảng ta. Ngoại giao cây tre là một sự lựa chọn đúng đắn, sáng suốt giúp Việt Nam có thể đi xa, rộng mở trong quan hệ hợp tác với các nước trên toàn thế giới.

Vận dụng triết lý “dĩ bất biến, ứng vạn biến” hôm nay chính là giữ sự bất biến “dân là gốc” và “lòng dân” là căn cốt, để từ đó người lãnh đạo có thể áp dụng vạn biến trong chính sách, biện pháp, phương thức, hình thức và phương tiện để đi đến thành công. Cũng cần khẳng định, để đi đến thành công, mọi cán bộ, đảng viên phải luôn luôn khắc ghi “cần có sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, có sự quản lý hiệu quả của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và phải phát huy tối đa yếu tố Nhân dân làm chủ. Đây là Nhà nước của dân, do dân và vì dân; mọi lợi ích, quyền lực đều thuộc về Nhân dân. Chỉ có như vậy khát vọng phát triển đất nước trong điều kiện hiện nay mới có thể thành hiện thực.

Tin cùng chuyên mục