Trở ngại trong phát triển vật liệu xây dựng xanh

(BĐT) - Sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường (vật liệu xanh) đang trở thành xu hướng tất yếu và là mục tiêu hướng tới của ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, vật liệu xanh đưa vào các công trình xây dựng trên thực tế còn rất hạn chế bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.
Để thúc đẩy DN sản xuất vật liệu xanh, trước hết Nhà nước cần xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy thị trường mua sắm xanh. Ảnh: Lê Tiên
Để thúc đẩy DN sản xuất vật liệu xanh, trước hết Nhà nước cần xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy thị trường mua sắm xanh. Ảnh: Lê Tiên

Hướng tới sản xuất bền vững

Theo bà Nguyễn Thị Trâm, Giám đốc Trung tâm Thiết bị môi trường và An toàn lao động thuộc Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), các công trình xây dựng sử dụng khoảng 17% nguồn nước, 40% nguồn năng lượng, 25% gỗ khai thác, chiếm 50% lượng phát thải CFC, tạo ra 33% lượng khí thải carbonic và 40% phế thải rắn xây dựng. Vì vậy, việc thúc đẩy phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng xanh ở Việt Nam là một trong những giải pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường.

Bàn về lợi ích của việc sản xuất các vật liệu xanh, bà Trâm cho biết, doanh nghiệp (DN) sẽ có rất nhiều lợi ích. Đó là tạo dựng hình ảnh DN tuân thủ pháp luật Việt Nam; tạo được lợi thế cạnh tranh, nhất là tại các thị trường khó tính, từ đó nâng cao uy tín trên thị trường và đặc biệt là tạo được lợi thế trong quyết định mua sắm của Chính phủ. Về phía người tiêu dùng, họ yên tâm về chất lượng và độ an toàn đối với sức khỏe của chính mình; giảm nguy cơ mắc bệnh do sử dụng những sản phẩm có chứa chất gây hại, do vậy sẽ giảm các chi phí cho việc chữa bệnh; thể hiện trách nhiệm đối với xã hội thông qua tiêu dùng. Còn phía cơ quan nhà nước sẽ thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ bền vững; giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường; giảm thiểu các chi phí đầu tư cho xử lý môi trường; phát triển kinh tế xanh sử dụng hiệu quả tài nguyên và năng lượng; đồng thời bảo tồn và gia tăng giá trị vốn tự nhiên, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nhìn rõ những lợi ích này, thời gian qua, Việt Nam đã có những cơ chế, chính sách như: Luật Môi trường; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020… thúc đẩy tăng trưởng xanh, trong đó có định hướng phát triển các sản phẩm xanh. Đặc biệt, Chương trình cấp nhãn sinh thái, hay còn gọi là Chương trình nhãn môi trường xanh Việt Nam (Nhãn xanh) cho các sản phẩm vật liệu xây dựng đã được ban hành. Hiện Chương trình đã xây dựng được 17 bộ tiêu chí cho các nhóm sản phẩm khác nhau, trong đó, nhóm sản phẩm liên quan đến vật liệu xây dựng đã xây dựng được 2 bộ tiêu chuẩn là sản phẩm sơn phủ dùng cho xây dựng và vật liệu ốp lát gốm sứ xây dựng. 

Cần có cơ chế rõ ràng

Tuy nhiên, quá trình đưa vật liệu xanh vào các công trình xây dựng vẫn gặp phải vô vàn khó khăn. Theo bà Trâm, có 5 lý do chính bao gồm: Người tiêu dùng vẫn chưa hiểu về nhãn sinh thái, ít quan tâm xem sản phẩm mình sử dụng có thân thiện với môi trường hay không; tăng chi phí sản xuất; chưa có thị trường; chưa có cơ chế, chính sách hiệu quả phát triển sản phẩm xanh; tiêu chí Nhãn xanh Việt Nam vẫn hạn chế về mặt số lượng.

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho rằng: “Chúng ta vẫn còn thiếu chính sách khuyến khích sản xuất vật liệu, xây dựng công trình xanh. Hơn nữa, chúng ta cũng thiếu cơ chế bắt buộc đối tượng sử dụng vật liệu xanh”. Theo ông Cung, trên thực tế, số lượng công trình xanh của Việt Nam hiện nay rất nhiều nhưng số lượng DN đăng ký rất ít, bởi DN đăng ký cũng không được gì mà lại mất tiền và mất thời gian…

Liên quan đến vấn đề này, trước đó, nhiều nhà thầu cho rằng, chính sách mua sắm công hiện hành chưa có tiêu chí hay quy định nào ưu đãi rõ ràng với mua sắm xanh ngoài việc có yêu cầu kỹ thuật đối với gói thầu xây lắp hay mua sắm hàng hóa là tuân thủ pháp luật về môi trường.

Trước một số thông tin gần đây về việc nhiều công trình bị nứt nẻ khi sử dụng gạch không nung, ông Cung phân tích: “Việc công trình bị nứt nẻ có nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể là do vật liệu nhưng có thể là do thi công, do nền móng công trình không tốt…, chứ không thể cứ thấy công trình nứt là đổ lỗi cho gạch không nung”.

Từ thực tế đó, đại diện Trung tâm Thiết bị môi trường và An toàn lao động nhấn mạnh, việc thúc đẩy phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu xanh là rất quan trọng để hướng tới tăng trưởng bền vững. Để thúc đẩy DN sản xuất vật liệu xanh, trước hết Nhà nước cần xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy thị trường mua sắm xanh; xây dựng bộ tiêu chí nhãn xanh cho các sản phẩm còn thiếu cũng như nâng cao nhận thức về vấn đề này.

Đại diện Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam bổ sung, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ cụ thể cho chủ đầu tư, nhà sản xuất vật liệu, nhà thầu thi công... khi sử dụng vật liệu xanh. Chẳng hạn như miễn thuế VAT cho các sản phẩm, thiết bị liên quan đến công trình xanh; giảm giá điện, nước; giảm tiền thuê đất, thuế thu nhập cho các DN thực hiện các công trình xanh…