Trung Nam Group đầu tư Thủy điện Bác Ái?

(BĐT) - Đánh giá việc đầu tư Dự án Thủy điện tích năng Bác Ái tại tỉnh Ninh Thuận theo hình thức xã hội hóa có nhiều ưu điểm, mới đây Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép một công ty cổ phần thực hiện dự án này.
Trung Nam Group đã có kinh nghiệm đầu tư, vận hành nhiều nhà máy thủy điện. Ảnh: Tường Lâm
Trung Nam Group đã có kinh nghiệm đầu tư, vận hành nhiều nhà máy thủy điện. Ảnh: Tường Lâm

Gỡ vướng cho chủ trương sử dụng vốn ODA

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đấu thầu, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án này được EVN phê duyệt từ năm 2008. Cùng thời điểm trên, Thủ tướng Chính phủ cho phép EVN lập dự án đầu tư (DAĐT), tổ chức thẩm định, phê duyệt DAĐT và phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, thực hiện phân kỳ đầu tư trước một số hạng mục công trình của Dự án, tính toán phù hợp với tiến độ tích nước hồ Sông Cái nhằm bảo đảm yêu cầu kinh tế - kỹ thuật, chất lượng và hiệu quả. Được biết, tổng mức đầu tư dự án này là 21.101 tỷ đồng, cơ cấu vốn dự kiến gồm 15% vốn chủ sở hữu và 85% vốn vay do EVN thu xếp.

Tháng 6/2016, EVN đề nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương sử dụng vốn vay của Nhật Bản để thực hiện đầu tư Dự án trên cơ sở DAĐT đã được duyệt. Do EVN được sử dụng vốn vay ODA để thực hiện, Dự án cần bảo đảm tuân thủ trình tự và thủ tục chuẩn bị đầu tư theo quy định Luật Đầu tư công, theo đó phải được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, Thủ tướng quyết định đầu tư trước khi triển khai bước thực hiện đầu tư tiếp theo. Vì vậy, thời gian để hoàn thành trình tự, thủ tục chuẩn bị đầu tư đáp ứng quy định Luật Đầu tư công và sử dụng nguồn vốn vay ODA sẽ phát sinh kéo dài, khó để đáp ứng tiến độ thực hiện cụm công trình cửa xả đảm bảo không bị ảnh hưởng khi hồ Sông Cái tích nước.

Bộ Công Thương cho hay, đến thời điểm hiện nay, EVN đã triển khai thực hiện Dự án theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, việc đầu tư dự án này theo hình thức xã hội hóa có ưu điểm là không sử dụng vốn ODA, có thể tháo gỡ vướng mắc về việc áp dụng điều khoản chuyển tiếp của Dự án.

Tính đến tháng 3/2017, EVN thực hiện các hợp đồng và chi phí liên quan đến dự án này có giá trị khoảng 315 tỷ đồng, trong đó giai đoạn chuẩn bị đầu tư là 85 tỷ đồng, giai đoạn thực hiện đầu tư là 230 tỷ đồng. Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị liên quan, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng: “Chấp thuận đề xuất của EVN và UBND tỉnh Ninh Thuận về chủ trương đầu tư Dự án theo hình thức xã hội hóa. Cho ý kiến chỉ đạo về việc UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị giao cho Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Trung Nam đầu tư Dự án với hình thức, cơ chế đầu tư và các cam kết liên quan tại Văn bản số 2946 ngày 25/7/2017”.

Trung Nam Group sẽ thế chỗ EVN?

Theo cam kết của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group), nếu được chấp thuận, Công ty sẽ khởi công Dự án trong năm 2017 và thu xếp nguồn vốn để triển khai Dự án theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Song song đó, đảm bảo xây dựng Dự án theo đúng tiến độ, đồng bộ với công tác hoàn thiện xây dựng hệ thống thủy lợi Tân Mỹ. Đặc biệt, Trung Nam Group sẽ hoàn trả đầy đủ toàn bộ kinh phí mà EVN đã đầu tư tính đến thời điểm chuyển giao.

Trước đó, UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo hướng thống nhất chủ trương xã hội hóa đầu tư dự án nói trên và kiến nghị sớm chấp thuận giao cho Trung Nam Group làm chủ đầu tư Dự án theo hình thức BOO. Về cơ cấu thu xếp vốn, theo phương án 15% vốn chủ sở hữu và 85% vốn vay như tại Quyết định phê duyệt DAĐT ngày 12/5/2015 của EVN và đáp ứng theo yêu cầu tại Điểm b, Khoản 2, Điều 10 của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP.

Bộ Công Thương cho biết, về giá mua bán điện của Dự án, trong giai đoạn DAĐT, giá mua bán điện được đơn vị tư vấn tính toán, đề xuất trong hồ sơ thiết kế và đã được EVN phê duyệt trên cơ sở cơ cấu nguồn vốn đầu tư là 85% vốn vay ODA và 15% vốn đối ứng. Tuy nhiên, khi Dự án được chuyển giao để thực hiện đầu tư theo phương án xã hội hóa, nguồn vốn thực hiện Dự án (theo cơ cấu 15% vốn chủ sở hữu và 85% vốn vay thương mại) sẽ là vốn thương mại thông thường, nên nhà đầu tư mới cần phải rà soát và chuẩn xác lại tổng mức đầu tư, đánh giá mức hiệu quả của Dự án, làm cơ sở đề xuất giá mua bán điện cho phù hợp.