Nhân viên của các cơ quan nhà nước Trung Quốc tại 4 khu vực thử nghiệm sẽ được nhận lương hoặc các khoản phụ cấp một phần dưới dạng đồng nhân dân tệ điện tử. Ảnh: St |
Từ đầu tháng 5, nhân viên của các cơ quan nhà nước Trung Quốc tại 4 khu vực thử nghiệm sẽ được nhận lương hoặc các khoản phụ cấp một phần dưới dạng đồng NDT điện tử. Trước mắt, đồng tiền này sẽ được dùng để thanh toán cho các phương tiện giao thông công cộng, hoạt động mua sắm thực phẩm và các hoạt động bán lẻ trước khi được mở rộng sang các hoạt động kinh tế khác.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết, cơ quan này sẽ là nơi duy nhất phát hành đồng NDT điện tử và cung cấp đồng tiền này cho các ngân hàng thương mại cũng như các đơn vị sử dụng tiền tệ khác để phục vụ sự lưu thông của đồng tiền.
Về bản chất, đây là đồng tiền kỹ thuật số do một ngân hàng trung ương phát hành, trên nền tảng công nghệ chuỗi khối (blockchain) và kỹ thuật số, là một dạng tiền pháp định được phát hành, kiểm soát và bảo đảm bởi PBOC thông qua giá trị đồng NDT.
Bình luận về động thái này của Trung Quốc, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, đồng tiền kỹ thuật số là xu hướng toàn cầu bởi nhu cầu giao dịch, thanh toán ngày càng lớn trong khi mức phát hành và khả năng thanh toán của đồng tiền hiện hành lại có giới hạn.
Tuy nhiên, dù được áp dụng công nghệ blockchain và kiểm soát bởi PBOC, song không thể khẳng định là loại trừ được rủi ro với việc sử dụng đồng tiền này. Vẫn có thể xảy ra rủi ro kỹ thuật trong quá trình thực hiện giao dịch, rủi ro do tin tặc xâm nhập hệ thống, khiến niềm tin về đồng tiền lung lay.
Với Việt Nam, việc Trung Quốc lưu hành đồng tiền này chưa có tác động bởi vì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chưa cho phép đồng tiền kỹ thuật số được dùng để thanh toán ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trí Hiếu, Trung Quốc đã thử nghiệm và một số nước khác có thể đang tính đến việc lưu hành đồng tiền này, do đó, Việt Nam cần theo dõi, nghiên cứu để xem có khả năng và nhu cầu phát hành đồng tiền như vậy. Đặc biệt, cần nghiên cứu khung khổ pháp lý cho việc chấp nhận thanh toán đồng tiền kỹ thuật số.
Trong khi đó, theo TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả thuộc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, động thái này có nhiều hàm ý chính sách đối với Việt Nam.
Trước hết, cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của Trung Quốc và các nước về việc xây dựng lộ trình phát hành đồng tiền điện tử với cách tiếp cận mở, song vẫn kiểm soát được rủi ro.
Bên cạnh đó, cần đánh giá tác động của việc Trung Quốc triển khai tiền điện tử và các nước phát hành đồng tiền kỹ thuật số sau này để có thể xác định phương án tham gia và thái độ chấp nhận phù hợp, đánh giá tổng thể, bài bản, thường xuyên về sự phụ thuộc vào vốn đầu tư của Trung Quốc để có kế hoạch, kịch bản ứng phó khi đồng NDT kỹ thuật số được Trung Quốc sử dụng rộng rãi, từ đó xây dựng kế hoạch ứng phó với sự phát triển của đồng NDT kỹ thuật số trong thanh toán biên mậu và du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Mặt khác, cần thúc đẩy thói quen thanh toán không dùng tiền mặt, hướng tới xã hội không tiền mặt, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa bắt kịp xu thế thế giới.
Đồng thời, cần nâng cấp, phát triển hệ thống thanh toán quốc gia đảm bảo hiệu quả và hạn chế rủi ro cho các giao dịch thanh toán gắn với tiền kỹ thuật số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả giám sát các hoạt động thanh toán xuyên biên giới liên quan đến tiền kỹ thuật số, đảm bảo cam kết hội nhập, an toàn, an ninh mạng và an toàn tài chính quốc gia.