Công ty Chứng khoán VPS thông báo từ nhiệm vai trò đại lý đăng ký, lưu ký và vai trò đại lý quản lý tài sản bảo đảm đối với nhiều loại trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh: NC st |
Diễn biến này đặt nhà đầu tư vào tình thế chơi vơi về quyền lợi và rất cần giải pháp ứng phó để vá lại khoảng hở trách nhiệm trên thị trường…
Thế “cầm đằng lưỡi” của nhà đầu tư
Tại Công ty Chứng khoán Tân Việt, lý do để Công ty ra thông báo tạm dừng nhận chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp là “tình hình diễn biến không thuận lợi trên thị trường chứng khoán và những thông tin không tích cực về thị trường trái phiếu doanh nghiệp”. Tân Việt thể hiện trách nhiệm với nhà đầu tư bằng thông tin rằng: “Với vai trò đại lý đăng ký lưu ký, đại lý thanh toán, đại diện người sở hữu trái phiếu, Công ty đang làm việc với các tổ chức phát hành, lên phương án bảo đảm thanh toán coupon và gốc cho nhà đầu tư trước ngày đáo hạn hoặc tại ngày đến hạn của lô trái phiếu”.
Tại Công ty CP Chứng khoán VPS, kể từ ngày 1/12/2022, Công ty thông báo từ nhiệm vai trò Đại lý đăng ký và lưu ký và vai trò Đại lý quản lý TSBĐ của trái phiếu Công ty CP Tập đoàn Xây dựng SCG phát hành ngày 31/12/2020 có tổng mệnh giá trái phiếu tối đa là 1.500 tỷ đồng. Cũng từ ngày 1/12/2022, VPS từ nhiệm vai trò Đại lý đăng ký và lưu ký và vai trò Đại lý quản lý TSBĐ của trái phiếu Công ty CP Roman E&C phát hành ngày 31/12/2020, có tổng mệnh giá trái phiếu tối đa là 530 tỷ đồng. Trước đó, VPS đã từ nhiệm vị trí đại lý đăng ký và lưu ký và đại lý quản lý TSBĐ trong hàng loạt lô trái phiếu do các doanh nghiệp như Công ty TNHH Bất động sản Vĩnh Xuân; Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Khu Đông; Công ty TNHH Đầu tư Phú Thịnh Phát; Công ty TNHH Đầu tư và Tư vấn quản lý Biển Đông; Công ty TNHH Đầu tư bất động sản du lịch Hoàng Trường; Công ty TNHH Đầu tư Xuất nhập khẩu Tổng hợp Đức Mai… phát hành.
VPS cho biết, theo quy định của hợp đồng, Công ty có thể từ nhiệm và ngừng thực hiện toàn bộ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình liên quan đến vai trò đại lý đăng ký và lưu ký và vai trò đại lý quản lý TSBĐ khi thông báo bằng văn bản cho tổ chức phát hành và những người sở hữu trái phiếu ít nhất 30 ngày làm việc trước ngày dự kiến từ nhiệm. Công ty này đề nghị tổ chức phát hành chỉ định tổ chức đại lý đăng ký và lưu ký thay thế trong vòng 7 ngày làm việc; chỉ định đại lý quản lý TSBĐ thay thế trong vòng 25 ngày làm việc kể từ thông báo từ nhiệm này.
Theo quy định hiện hành, việc tổ chức tài chính trung gian từ chối cung cấp các dịch vụ như trên có thể không sai pháp luật, nhưng tạo nên một khoảng trống chơi vơi về quyền lợi cho nhà đầu tư mà pháp luật chưa tính đến, chưa điều chỉnh.
Khoảng hở pháp lý trong bảo vệ nhà đầu tư
Để hiểu tác động đến nhà đầu tư trong việc tổ chức trung gian đơn phương từ chối cung cấp các dịch vụ trên, đầu tiên phải phân tích xem vai trò của đại lý đăng ký, lưu ký và vai trò đại lý quản lý TSBĐ của trái phiếu.
Theo quy định, tổ chức đăng ký, lưu ký có chức năng nhận chuyển nhượng, ghi nhận sự chuyển nhượng trái phiếu từ chủ sở hữu này sang chủ sở hữu khác, phong tỏa trái phiếu khi chủ sở hữu trái phiếu có nhu cầu cầm cố, thế chấp; phong tỏa và giải tỏa trái phiếu theo yêu cầu của các bên liên quan.
Khoản 12 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Điều 15 Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định, trái phiếu phát hành riêng lẻ sẽ đăng ký, lưu ký tập trung tại Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam. Việc giao dịch cũng được thực hiện tập trung tại Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, theo quy định tại Khoản 13 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP, sửa đổi Điều 16 của Nghị định 153/2020/NĐ-CP.
Đại lý quản lý TSBĐ là một phần công việc của Đại diện người sở hữu trái phiếu. Theo Khoản 7 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP, tổ chức cung cấp dịch vụ đại diện người sở hữu trái phiếu phải là thành viên lưu ký của Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam hoặc công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán được chỉ định đại diện cho quyền lợi của người sở hữu trái phiếu theo quy định tại Khoản 13, Điều 3, Nghị định 155/2020/NĐ-CP. Trách nhiệm của đại diện người sở hữu trái phiếu được quy định tại Điều 24 Nghị định 155/2020/NĐ-CP.
Chức năng, nhiệm vụ của tổ chức quản lý TSBĐ là quản lý được TSBĐ giữ nguyên hiện trạng, đăng ký sở hữu, quyền truy đòi, cảnh báo cho chủ sở hữu khi TSBĐ không đủ bảo đảm cho giá trị lô trái phiếu đã phát hành; thay mặt chủ sở hữu trái phiếu xử lý TSBĐ để bảo đảm thanh toán cho chủ sở hữu trái phiếu. Các tổ chức quản lý TSBĐ có thể là ngân hàng, thực hiện quản lý tất cả các loại TSBĐ hoặc công ty chứng khoán, được phép cung cấp dịch vụ quản lý TSBĐ là các loại tài sản tài chính, giấy tờ có giá như cổ phiếu, trái phiếu.
Trở lại với vấn đề thời sự nêu trên, khi tổ chức tài chính trung gian từ chối các dịch vụ đại diện người sở hữu trái phiếu, nếu không có một tổ chức nào đứng ra nhận cung cấp dịch vụ này thì nhà đầu tư trái phiếu sẽ bấu víu vào đâu để bảo vệ quyền lợi? Ai giúp nhà đầu tư cung cấp các dịch vụ phong tỏa khi cần? Ai đứng ra bảo đảm cho TSBĐ không suy hao, thay đổi sở hữu hoặc quyền truy đòi? Ai chịu trách nhiệm xử lý TSBĐ để thanh toán cho nhà đầu tư? Khi thanh toán, nếu không đủ nghĩa vụ trả nợ, ai đảm bảo thanh toán cho mỗi nhà đầu tư theo tỷ lệ trái phiếu sở hữu?
Để tăng niềm tin cho nhà đầu tư, chuẩn hóa sự phát triển của thị trường trái phiếu, quy định pháp lý cần sớm vá lại lỗ hổng trách nhiệm trên bằng việc bổ sung sớm quy định: “Tổ chức cung cấp dịch vụ quản lý TSBĐ, đại diện người sở hữu trái phiếu chỉ được phép đơn phương từ chối cung cấp dịch vụ khi có một tổ chức tương tự đồng ý cung cấp dịch vụ này hoặc khi cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu”.