Ảnh Internet |
Mọi rủi ro đều cản trở sự phát triển
Để thấy được mức độ tác động của đại dịch trong thời gian qua như thế nào đối với DN, có thể lấy Công ty CP Dịch vụ hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) làm ví dụ. Bà Đoàn Thị Mai Hương - Tổng Giám SASCO cho biết, mặc dù ngay khi dịch bệnh bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc) vào thời điểm 23/1/2020, Công ty đã có sự trang bị phòng chống dịch (PCD) từ kinh nghiệm trong các đợt dịch xảy ra trước đây, nhưng mức độ nghiêm trọng của Covid-19 ngày càng vượt xa kinh nghiệm của Lãnh đạo Công ty, làm đảo lộn toàn bộ kế hoạch kinh doanh, kế hoạch ứng phó với dịch bệnh, dẫn tới phải tạm ngừng hoạt động kinh doanh.
Trước những rủi ro bất định dồn dập, bà Hương chia sẻ, SASCO đã đưa chỉ tiêu kinh doanh xuống hàng thứ hai và ưu tiên hàng đầu là bảo vệ sức khỏe người lao động, bởi đây là nguồn vốn quý giá nhất. Do đó, DN đã tận dụng quãng thời gian gián đoạn hoạt động kinh doanh để đào tạo cho người lao động, phát hiện năng lực của mỗi người và chuẩn bị sẵn sàng phương án hồi phục khi kiểm soát được dịch, trở lại trạng thái bình thường với thói quen tiêu dùng mới.
Từ ví dụ này, bà Nguyễn Hải Hưng - Giám đốc Điều hành Deloitte Việt Nam cho rằng, khó khăn, khủng hoảng như Covid-19 có thể xảy ra theo tính chu kỳ hoặc mang tính thời điểm, nhưng tất cả đều cản trở sự phát triển. Không chỉ có Covid-19, mà trong tương lai còn có nhiều rủi ro xảy đến, tác động khác đối với DN. Nếu sớm nhận biết rủi ro và có sự chuẩn bị sẵn sàng ứng phó thì DN sẽ vượt qua dễ dàng và bớt khó khăn hơn.
Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, trong quản trị DN, nếu cú sốc là ngắn hạn thì DN cần điều chỉnh một số vấn đề. Nhưng nếu là cú sốc dài hạn như Covid-19 thì cần phải tái cấu trúc lại DN, biến yếu tố bất định thành xác định, chuyển rủi ro cho người khác lo hộ (đơn vị bảo hiểm)…
Chuyển đổi số là yêu cầu sống còn
Đại dịch Covid đặt ra bài toán với nhiều DN là làm sao vẫn duy trì được hoạt động trong bối cảnh mọi thứ đều đứng im?
Thực tế, theo ông Binu Jacob - Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam, đồng Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), DN nào xây dựng mô hình kinh doanh theo hướng phát triển bền vững đều cho thấy khả năng chống chịu, vượt qua khủng hoảng và phục hồi cao hơn các DN khác. Một trong ba trụ cột để duy trì tăng trưởng bền vững của Nestlé chính là chuyển đổi số.
Nhờ chuyển đổi số từ cách đây 20 năm, ông Lê Thành Liêm - Giám đốc Điều hành Tài chính của Vinamilk chia sẻ, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội vừa qua, Công ty gần như vẫn duy trì hoạt động sản xuất bình thường. Dù hoạt động bán hàng bị tác động do nhân viên bị hạn chế di chuyển, nhưng doanh thu bán hàng không giảm, duy trì giao dịch điện tử, trực tuyến, áp dụng chứng thực chữ ký số để ký kết hợp đồng. Đạt được kết quả này là do hoạt động sản xuất kinh doanh được vận hành xuyên suốt, quy trình sản xuất khép kín, tự động hóa từ khâu chăn nuôi, đưa nguyên liệu đến nhà máy, bốc xếp, vận chuyển hàng hóa…
Để đẩy mạnh chuyển đổi số, nhiều ý kiến cho rằng, yếu tố quan trọng nhất nhận thức của lãnh đạo DN, đây là quá trình thay đổi toàn bộ từ chiến lược, cơ cấu, mô hình rồi mới đến ứng dụng nền tảng công nghệ. Người đứng đầu DN phải mạnh dạn, xem chuyển đổi số là vấn đề tiên quyết, sống còn đề duy trì và giữ vững hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Liêm cho rằng, DN lớn cần đi tiên phong trong việc áp dụng công nghệ số, dẫn dắt chuyển đổi để tạo niềm tin và động lực lôi kéo DN nhỏ đi theo. DN nhỏ muốn làm ăn với DN lớn thì không thể duy trì cách giao dịch hợp đồng truyền thống.
Theo đánh giá của ông Đỗ Hoài Nam - đồng sáng lập và Chủ tịch UPGen Việt Nam, chuyển đổi số không còn là câu chuyện của DN lớn, mà đã và đang diễn ra rất mạnh mẽ ở những DN nhỏ và siêu nhỏ. Nhiều DN khởi nghiệp đã đi thẳng trên nền tảng số như Facebook, Shopee, Tiki… và đã thay đổi rất nhanh, có sự phát triển mạnh mẽ.
Để chuyển đổi số thành công, ông Denis Brunetti - Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Lào, Myanmar và Campuchia khuyến nghị, Chính phủ cần xây dựng thể chế và tạo điều kiện hơn nữa cho hệ sinh thái chuyển đổi số phát triển, đặc biệt là những DN khởi nghiệp sáng tạo (startup) như: cơ chế thử nghiệm (sandbox) cho mô hình kinh doanh mới, phát triển các nền tảng số flatform… Internet, điện thoại di động trở thành dịch vụ hạ tầng thiết yếu như điện để sản xuất… Việt Nam đang phát triển công nghệ 5G, nhưng nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu nghĩ đến công nghệ 6G vào năm 2030.
“Chính phủ đã có Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu phát triển kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030 cùng với những chính sách hỗ trợ. DN Việt cần nắm bắt và tận dụng những cơ hội chính sách này để đi nhanh hơn”, ông Nguyễn Phú Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)