Tăng cường đấu thầu rộng rãi sẽ tăng tính cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ công ích. Ảnh: Lê Tiên |
Thực trạng cung cấp dịch vụ công
Trong một nghiên cứu cung ứng dịch vụ công ích trong nền kinh tế thị trường của Việt Nam vừa thực hiện, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, dịch vụ công chia làm 3 loại, gồm: dịch vụ hành chính công, dịch vụ sự nghiệp công, dịch vụ công ích. Trong đó, dịch vụ công ích là dịch vụ rất quan trọng, phục vụ lợi ích của cả cộng đồng. Dịch vụ công ích tại các đô thị của Việt Nam hiện nay chủ yếu nằm ở danh mục B (cấp thoát nước, vận tải công cộng tại các đô thị, chiếu sáng, dịch vụ quản lý công viên, trồng và chăm sóc cây xanh...). Trên thực tế, khoản kinh phí mà ngân sách nhà nước chi cho hoạt động này hàng năm rất lớn và dường như vẫn “dành sân” cho các doanh nghiệp nhà nước.
Theo thống kê, mỗi năm TP. Hà Nội dành khoảng trên 4.000 tỷ đồng ngân sách chi cho các dịch vụ công ích thu gom vận chuyển rác thải, duy trì công viên, cây xanh, thoát nước và xử lý chất thải đô thị. Trong năm 2016, TP. Hà Nội vẫn dành tới 45% tổng chi phí dịch vụ công để duy tu, sửa chữa, duy trì vệ sinh môi trường; 12% cho du tu, sửa chữa, duy trì lĩnh vực hạ tầng giao thông; 19% cho duy tu, sửa chữa, duy trì lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải… Đáng nói là việc sử dụng khoảng một nửa số kinh phí này chưa qua đấu thầu. Tại các địa phương khác như: TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh thì con số này cũng không chênh lệnh đáng kể.
Dưới góc nhìn của ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, dịch vụ công là khu trú cuối cùng của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp. Chỗ này chưa có thị trường, hoàn toàn hoạt động theo cơ chế bao cấp, trong đó có dịch vụ công ích. Vì vậy, cần phải thị trường hóa để khu vực này hoạt động theo nguyên tắc thị trường, sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả.
Chia sẻ câu chuyện này, ông Vũ Mạnh Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại điện tử công nghiệp Vũ Kiên, một đơn vị chuyên tham gia cung cấp dịch vụ công ích, cho biết: Ở nhiều đơn vị, khi tổ chức lựa chọn nhà thầu cung ứng dịch vụ công ích vẫn chưa đảm bảo công khai, minh bạch. Doanh nghiệp ngoài nhà nước khó chen chân, đặc biệt trong nhiều hồ sơ mời thầu thì chủ đầu tư/bên mời thầu đã đưa ra những điều khoản rất vô lý.
Tăng sức cạnh tranh để nâng chất lượng
Để nâng cao chất lượng hoạt động cung ứng dịch vụ công ích, ông Nguyễn Mạnh Hải, đại diện nhóm nghiên cứu của CIEM đề xuất, cần nâng cao tính minh bạch, công bằng, chất lượng trong việc cung cấp dịch vụ. Đặc biệt, áp dụng lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi thay vì đặt hàng để tăng tính cạnh tranh, minh bạch trong quá trình chọn đơn vị cung cấp. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp công ích, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Ông Vũ Mạnh Kiên cho rằng: “Đã là dịch vụ công mà muốn cho tư nhân tham gia thì quá trình lựa chọn nhà thầu phải công khai, minh bạch. Nếu đơn vị muốn mua dịch vụ mà không muốn minh bạch thì mãi mãi doanh nghiệp tư nhân không thể vào được”. Vị đại diện doanh nghiệp này cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp muốn cung ứng được dịch vụ tốt thì doanh nghiệp cũng phải có kế hoạch kinh doanh, đầu tư bài bản, khoa học.
Được biết, hiện nay cơ quan có thẩm quyền cũng đang xây dựng một Nghị định thay thế Nghị định 130/2013/NĐ-CP và Quyết định 39/2008/Q-TTg nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính minh bạch, cạnh tranh của việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích và cung cấp dịch vụ sự nghiệp công trong thời gian tới. Với những cải cách này, kỳ vọng việc cung cấp dịch vụ công sẽ tiếp tục được cải thiện, doanh nghiệp tư nhân có thể có thêm một sân chơi mới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.