Từ những thông tin nhỏ đến thành công lớn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhâm nhi ly cà phê vào lúc chiều muộn sau những giờ làm việc căng thẳng ở văn phòng, Toshiharu Sato thường có thói quen mở chiếc laptop nhỏ, dò tìm những thông tin cần thiết trên một số trang báo điện tử và đôi khi trên vài tờ báo giấy mang kèm theo. Là Tổng giám đốc Công ty TNHH Điện tử Sumida Việt Nam, Toshiharu Sato đến Việt Nam từ hơn 10 năm trước, gắn kết với mảnh đất này bằng nhiều khát vọng, dự án và tình cảm từ trái tim mình…
Những kênh truyền thông như Vnexpress.net, Vneconomy.vn, Đấu thầu, Đầu tư, Pháp luật, Văn hóa... sẽ là lựa chọn bổ ích và cần thiết nếu muốn hiểu về sự vận hành của nền kinh tế cũng như tập quán, văn hóa Việt Nam
Những kênh truyền thông như Vnexpress.net, Vneconomy.vn, Đấu thầu, Đầu tư, Pháp luật, Văn hóa... sẽ là lựa chọn bổ ích và cần thiết nếu muốn hiểu về sự vận hành của nền kinh tế cũng như tập quán, văn hóa Việt Nam

Toshiharu Sato luôn chủ ý chọn một quán cà phê không quá rộng, vừa đủ để anh không chỉ chú tâm vào màn hình máy tính, mà còn có thể cảm nhận được sự ồn ã của nhịp sống xung quanh, của một góc không gian đất cảng. Toshiharu Sato tâm sự với tôi nhiều thứ. Riêng về quan điểm trong hoạt động sản xuất kinh doanh, anh khẳng định, để một đường lối, triết lý kinh doanh thực sự có sức sống và tồn tại, trước tiên phải được xây dựng trên những viên gạch thực tiễn nhu cầu phát triển của xã hội. Trong số những viên gạch đó, phải có những viên gạch được “đúc kết” từ nguồn thông tin thuộc về báo chí. Toshiharu Sato dẫn giải, nếu coi nền tảng đó là một bức tranh, sự gắn kết đan xen của màu sắc và bố cục trong đó chính là tập quán, văn hóa, nhu cầu tiêu dùng, chính sách và thể chế pháp luật... của một quốc gia, thị trường mà doanh nghiệp hướng đến.

Toshiharu Sato khẳng định sự quan tâm và coi trọng vai trò của báo chí. Theo anh, có lẽ không chỉ doanh nhân Nhật mà nhiều doanh nhân đến từ các quốc gia khác đang sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam đều thống nhất về vai trò của báo chí như một điều tất yếu. Nếu như ở Singapore, doanh nhân có thể tìm đọc Channel News Asia; ở Hàn Quốc là Maeil Business Newspaper, JoongAng Ilbo...; ở Nhật đọc Nihon Shoken Shimbun, Hoken Mainichi Shimbun..., thì khi đến Việt Nam làm việc, những kênh truyền thông như: Vnexpress.net, Vneconomy.vn, Đấu thầu, Đầu tư, Pháp luật, Văn hóa... sẽ là những lựa chọn bổ ích và cần thiết nếu muốn hiểu về sự vận hành của nền kinh tế cũng như tập quán, văn hóa Việt Nam.

Toshiharu Sato giỏi ngôn ngữ Anh, thông thuộc ngôn ngữ Việt, điều đó không chỉ giúp anh trực tiếp đọc báo tiếng Việt, mà còn hiểu sâu về những thông tin tổng hợp thường xuyên nhận được từ bộ phận phụ trách sàng lọc truyền thông của Sumida Việt Nam

Toshiharu Sato giỏi ngôn ngữ Anh, thông thuộc ngôn ngữ Việt, điều đó không chỉ giúp anh trực tiếp đọc báo tiếng Việt, mà còn hiểu sâu về những thông tin tổng hợp thường xuyên nhận được từ bộ phận phụ trách sàng lọc truyền thông của Sumida Việt Nam

Toshiharu Sato miêu tả về Sumida Corporation với lịch sử hơn 60 năm thành lập và phát triển, trụ sở chính đặt tại quê hương Nhật Bản của anh, là tập đoàn đa quốc gia sở hữu những thương hiệu và sản phẩm linh kiện điện tử, điện từ kỹ thuật cao cung cấp cho các lĩnh vực y tế, máy tính... ở hơn 23 quốc gia trên thế giới. Tháng 4/2015, Sumida Corporation chính thức triển khai Dự án Nhà máy sản xuất thiết bị, linh kiện điện từ tại Khu công nghiệp Tịnh Phong, tỉnh Quảng Ngãi với diện tích hơn 11 nghìn m2. Đến tháng 3/2024, trong giai đoạn phát triển 2 và 3, Nhà máy được mở rộng lên đến hơn 34 nghìn m2 với tổng vốn đầu tư gần 40 triệu USD và tạo việc làm cho hơn 1.000 nghìn lao động. Tiếp đó, Sumida mở 2 nhà xưởng tiêu chuẩn tại Khu công nghiệp Nhật Bản - Hải Phòng và đánh dấu bước tiến bằng việc xây dựng nhà máy mới tại Khu công nghiệp An Phát 1 thuộc tỉnh Hải Dương.

Liên tiếp những dấu mốc thể hiện quyết tâm phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, cho thấy những thành quả mà Sumida Việt Nam cũng như doanh nghiệp Nhật Bản thu được tại Việt Nam. Đó là minh chứng về sự tin tưởng vào môi trường đầu tư thuận lợi mà Sumida Corporation và nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã và đang gắn kết. Trong đó, một yếu tố quan trọng gián tiếp tác động đến quyết tâm của Sumida Corporation là những thông tin hữu ích thu nhận được từ báo chí, đặc biệt là các ấn phẩm thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ. Những thông tin đó, theo Toshiharu Sato đánh giá, đã giúp anh kịp thời khái quát được các chính sách, quy định pháp luật Việt Nam đối với nhà đầu tư, hỗ trợ anh hoạch định kế hoạch sản xuất ngắn hạn, củng cố niềm tin để anh cùng các lãnh đạo Sumida Corporation xây dựng các chính sách phát triển sản xuất mang tính chiến lược tại Việt Nam, như việc Sumida thống nhất quyết định “rót” thêm hơn 20 triệu USD xây dựng nhà máy tại Hải Dương, với diện tích lớn gấp 3 lần các nhà máy trước đây.

Điều Toshiharu Sato chia sẻ về báo chí Việt Nam, không phải chỉ riêng từ phía cá nhân anh hay một doanh nghiệp Nhật Bản, bởi thực tế cho thấy, các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam đều có những bộ phận chuyên trách về truyền thông, báo chí. Toshiharu Sato giỏi ngôn ngữ Anh, thông thuộc ngôn ngữ Việt, điều đó không chỉ giúp anh trực tiếp đọc báo tiếng Việt, mà còn hiểu sâu về những thông tin tổng hợp thường xuyên nhận được từ bộ phận phụ trách sàng lọc truyền thông của Sumida Việt Nam, cụ thể là từ nhiều ấn phẩm báo chí về hoạt động thực tiễn của doanh nghiệp; hoạt động đầu tư công, các thông tin đấu thầu, đầu tư, thương mại...; thủ tục, chính sách, định hướng thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao...

Bên cạnh đó, qua báo chí, Toshiharu Sato cũng thấy được quyết tâm của Đảng, Nhà nước Việt Nam về kiến tạo môi trường đầu tư an toàn, thuận lợi, thông thoáng, minh bạch; chào đón và hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam.

Rời thành phố quê hương Tokyo nhộn nhịp và hiện đại từ hơn 10 năm trước, đến Việt Nam, Toshiharu Sato cũng thấy được sự nhộn nhịp đó và còn cảm nhận thêm về sự thanh bình, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp ở quê hương thứ hai này. Toshiharu Sato thích tìm tới những khu du lịch nổi tiếng ở nhiều địa phương Việt Nam và nhất là khám phá các hòn đảo. Anh kể về kỷ niệm của mình trong thời gian trải nghiệm bãi biển cát trắng mịn màng ở đảo Cô Tô, Cát Bà. Phong cảnh sông núi hùng vĩ; sự chuyên cần, sáng tạo, gần gũi và thân thiện của người dân Việt Nam gây ấn tượng mạnh mẽ trong tâm trí anh. Toshiharu Sato yêu mến đất nước và con người Việt Nam. Trong văn phòng nơi anh làm việc có những bức ảnh chụp Công ty dưới sự điều hành của anh, thường xuyên có các hoạt động hỗ trợ vùng miền khó khăn, hỗ trợ sự phát triển tại một số địa phương...

Toshiharu Sato cũng tỏ ra hứng thú khi tâm sự về văn hóa ẩm thực Việt Nam, dù đơn giản đó chỉ là món bánh đa cua ngọt ngào vị đồng quê và bánh mỳ “Cột đèn” Hải Phòng, hai đặc sản địa phương theo anh là rất ngon và đặc trưng. Chia tay trong căn phòng khách của Sumida Việt Nam tại Hải Phòng, anh hẹn tôi sẽ gặp gỡ ở Hà Nội với cà phê phố cổ và những cốc bia hơi Hà Nội truyền thống...

Tin cùng chuyên mục