Ảnh minh họa. |
Liều mạng “vượt đèn đỏ”
Theo công bố của Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, tại Gói thầu số 1 (Thiết bị): Đầu tư trang thiết bị xây dựng trường chuẩn quốc gia (10 phòng máy tính + 02 phòng học bộ môn), có một nội dung gây ra nhiều phản hồi của nhiều nhà thầu cung cấp hàng hóa lẫn nhà thầu tư vấn đấu thầu. Đó là việc Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Quang Luân đã đăng tải thông tin mời thầu của gói thầu này trước ngày UBND huyện Vĩnh Cửu duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và trước khi ký hợp đồng tư vấn với chủ đầu tư. Cụ thể, thông báo mời thầu được Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Quang Luân đứng tên đăng tin trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (muasamcong.mpi.gov.vn) vào ngày 27/5/2016, trong khi ngày 30/5/2016 Kế hoạch lựa chọn nhà thầu mới được UBND huyện Vĩnh Cửu phê duyệt. Đáng chú ý, ngày 30/5/2016 Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Quang Luân và Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Cửu mới ký hợp đồng tư vấn lập hồ sơ mời thầu (HSMT).
Trao đổi với Báo Đấu thầu, nhiều nhà thầu trong lĩnh vực thiết bị giáo dục tại TP.HCM và Đồng Nai bày tỏ quan điểm khi biết những nội dung mà Thanh tra Sở KH&ĐT Đồng Nai công bố. “Chỉ có thể nói là họ liều mạng hết sức. Họ không có đủ năng lực mà vẫn được giao làm tư vấn. Để rồi tư vấn này liều mạng cầm đèn chạy trước ô tô, gây khó khăn cho các nhà thầu trong suốt quá trình đấu thầu” - một nhà thầu cung cấp thiết bị giáo dục từng tham gia gói thầu này thẳng thắn nhận xét. Trong khi đó, từ góc độ một nhà thầu tư vấn, bà Trần Thị Nga, Giám đốc Công ty CP Kiểm tra và Phân tích kỹ thuật xây dựng công trình, có địa chỉ tại Bình Dương cho rằng, để xảy trường hợp nêu trên xuất phát từ cả hai phía là chủ đầu tư lẫn tư vấn. Thứ nhất, chủ đầu tư là một đơn vị không có chuyên môn và hiểu biết về đấu thầu. Thứ hai, tư vấn mang tiếng là tư vấn nhưng nói một cách chính xác là không rành về đấu thầu. “Chính vì không rành nên đáng ra chỉ cần làm đúng quy trình vốn đã được hướng dẫn chi tiết thì lại làm liều và làm sai hoàn toàn những quy định của Luật”, bà Nga phân tích. Cũng theo bà Nga, chuyện chưa ký hợp đồng giữa tư vấn và chủ đầu tư mà tư vấn đã tự đăng thông báo mời thầu là chuyện phải… “chào thua”! Do đó, dễ hiểu khi tư vấn này lại tiếp tục dám đăng thông báo mời thầu khi kế hoạch lựa chọn nhà thầu chưa được phê duyệt.
Theo một nguồn tin của Báo Đấu thầu, gói thầu nêu trên hiện đã được giao về cho Ban QLDA huyện Vĩnh Cửu làm chủ đầu tư. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vĩnh Cửu đã không còn được quản lý Dự án. Từ việc “cầm đèn chạy trước ô tô” của tư vấn khi mà chủ đầu tư còn hạn chế trong việc nắm bắt quy định về đấu thầu đã dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc.
Tư vấn cần bản lĩnh để… làm đúng
“Thậm chí, có chủ đầu tư còn bố trí thư ký lập bảng theo dõi tiến độ thực hiện giữa hai bên để thuận lợi cho việc đối chiếu, kiểm tra, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh. Với những chủ đầu tư có cách làm việc khoa học như vậy, dù họ không có hiểu biết nhiều về đấu thầu nhưng tư vấn không thể “cầm đèn chạy trước ô tô” trong bất kỳ trường hợp nào” - ông Phương chia sẻ thêm.
Trao đổi với Báo Đấu thầu, chuyên gia đấu thầu Nguyễn Việt Hùng cho biết, nhiều chủ đầu tư có ý chí cá nhân rất mạnh mà thường là chệch với tinh thần của Luật, đi ngược lại quy trình. Do đó, trong những trường hợp này, tư vấn đấu thầu phải thật sự bản lĩnh cũng như khéo léo để điều chỉnh cho phù hợp với các quy định. “Cần nhất với các chủ đầu tư không có nhiều hiểu biết về đấu thầu là lựa chọn được nhà thầu tư vấn chuyên nghiệp và bản lĩnh. Bản lĩnh của tư vấn đấu thầu không chỉ thể hiện qua chất lượng của công việc được giao như lập HSMT, đánh giá HSDT, mà còn là xử lý tình huống, đề xuất và tham mưu cho chủ đầu tư hướng xử lý phù hợp với tình thế nhưng vẫn tuân thủ tinh thần Luật, kể cả phải phản biện ý kiến của chủ đầu tư nếu cần thiết. Không nên vì cả nể, dễ dãi mà giao việc cho những tư vấn yếu kém chuyên môn, thiếu trách nhiệm lẫn đạo đức nghề nghiệp để rồi dẫn đến những hậu quả xấu cho công tác đấu thầu” - ông Hùng chia sẻ.