Ảnh minh họa: Internet |
Điều này đặt ra yêu cầu phải quyết liệt thực hiện thu phí tự động không dừng, công khai doanh thu của các trạm thu phí.
VEC có bị oan?
Sau khi xảy ra vụ cướp này, không ít ý kiến cho rằng, sự việc đã làm lộ sự không trung thực của VEC khi trước đây chỉ công bố doanh thu một ngày không đạt 1 tỷ đồng tại trạm thu phí Dầu Giây. Trong khi đó, với 1 ca (8 tiếng) vào ngày Tết, số thu đã trên 2,2 tỷ đồng. VEC sau đó đã lên tiếng thanh minh, nói rõ đó là con số thu cộng dồn của nhiều ngày bởi vì trong kỳ nghỉ Tết Kỷ Hợi 2019, ngân hàng không làm việc, nên thu được bao nhiêu để vào két để sau Tết chuyển vào ngân hàng.
Từ vụ việc trên cho thấy, yêu cầu công khai, minh bạch thông tin nguồn thu, lợi nhuận của các chủ đầu tư, nhà đầu tư tại các trạm thu phí là hoàn toàn đúng đắn, giúp xóa đi sự nghi hoặc từ phía người dân, tạo cơ hội cho cộng đồng xã hội tham gia vào việc kiểm tra, giám sát công tác thu phí.
Chiều 11/2/2019, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Mai Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng thành viên của VEC cho biết: VEC đang quản lý và vận hành 4 tuyến cao tốc với tổng số 27 trạm thu phí gồm: tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (3 trạm thu phí), tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai (14 trạm thu phí), tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (7 trạm thu phí) và tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (3 trạm thu phí). Việc thu phí trên 4 tuyến cao tốc này đều là thu kín (trả phí theo thực tế km mà phương tiện di chuyển), không phải thu phí theo lượt nên không thể lấy con số trung bình rồi nhân với số trạm được. Việc một số tờ báo, trang mạng xã hội thông tin về việc thu được 8 - 9 tỷ đồng/ngày từ trạm thu phí Dầu Giây là con số thất thiệt, là thông tin sai lệch, gây dư luận không tốt tới việc quản lý, vận hành các tuyến cao tốc của VEC. Tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có 3 trạm thu phí nhưng lưu lượng xe qua trạm thu phí Dầu Giây thấp hơn 2 trạm thu phí còn lại. VEC không phải là nhà đầu tư BOT nên số tiền thu được từ các trạm thu phí trên cao tốc đều nộp vào ngân sách nhà nước, công tác thu chi đều được quản lý chặt chẽ và được Tổng cục Đường bộ (thuộc Bộ Giao thông vận tải) kiểm tra, thanh tra thường xuyên và định kỳ. VEC đang phối hợp với phía cơ quan công an để làm rõ, xác thực số tiền thu phí nhằm giải tỏa mối quan tâm của dư luận, tránh những hiểu lầm không cần thiết.
Cần sự đồng thuận về thu phí không dừng
Chi phí vận tải đường bộ trực tiếp ảnh hưởng đến giá thành, giá cả hàng hóa cũng như lợi ích của người dân và doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh vận tải nên cần phải công khai, minh bạch. Sự kiện Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh Chi nhánh Long An cùng 4 người bị bắt gần đây vì liên quan đến việc mua bán, sử dụng phần mềm trái pháp luật nhằm trốn thuế tại các trạm thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương đang khiến dư luận băn khoăn về việc còn bao nhiêu trạm thu phí BOT gian lận doanh thu để trốn thuế? Trong khi đó, các chuyên gia cho biết, có nhiều cách che giấu doanh số thu phí, trốn thuế mà các trạm thu phí BOT có thể áp dụng như: can thiệp trực tiếp vào phần mềm thống kê thu phí để chỉnh sửa, xóa dữ liệu phần mềm đếm xe...
Mặt khác, việc các trạm thu phí không công khai thông tin khiến người dân tù mù về thông tin xác thực, có thể gây ra những mối nghi ngờ không đúng với các chủ đầu tư, nhà đầu tư.
Do vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, cần thiết phải có quy định buộc các chủ đầu tư, nhà đầu tư BOT thường xuyên công bố, cập nhật thông tin về doanh thu, chi phí và cơ quan nhà nước phải kiểm tra, xác minh để người dân được biết. Như thế mới tránh được chuyện "hiểu nhầm" (nếu có) về số thu như của trạm thu phí Dầu Giây.
Ông Mai Tuấn Anh cho biết, việc áp dụng thu phí tự động không dừng là biện pháp giúp các chủ xe tiết kiệm thời gian qua trạm, dễ dàng kiểm soát chi phí đi lại, đồng thời góp phần tăng tính minh bạch trong hoạt động ở các trạm thu phí. Tại các trạm thu phí trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã được lắp đặt làn thu phí tự động không dừng từ năm 2016, nhưng số lượng các phương tiện qua làn này rất ít. Một trong những lý do là chưa nhận được sự đồng thuận cao của người dân và chủ phương tiện.
Theo ông Mai Tuấn Anh, để tăng cường áp dụng và áp dụng thông suốt thu phí không dừng thì cần phải đồng bộ hóa dữ liệu, thiết bị, công nghệ ở các trạm thu phí không dừng; tuyên truyền, vận động và khích lệ người dân áp dụng phương thức thu phí không dừng, có cơ chế khuyến khích người dân nếu họ ưu tiên áp dụng thu phí tự động không dừng.